Saturday, December 27, 2014

NGÔ ĐÌNH VẬN – TẠP LUẬN 7: KHỔNG TỬ BỊA ĐẶT RA CỔ TÍCH VỚI MƯU MÔ KHÔI PHỤC NHÀ CHU



Khổng Tử nói: “Ta chỉ thuật lại chứ không sáng tác, tin tưởng và yêu thích cổ xưa, ta nghĩ ta giống như Lão Bành vậy”, Lão Bành được Chu Hi chú thích là một vị quan lớn đời nhà Thương thích sưu tầm chuyện cổ.

Chính khách Khổng Tử đã mưu mẹo nói như thế nhằm giảm các sự thắc mắc của đám học trò, của những kẻ cùng thời với ông về những điều ông kể từ thời Nghiêu, Thuấn cách xa thời đại Xuân Thu trên 2500 năm. Nghiêu, Thuấn (Yao, Shun) là hai thời đại được xếp vào loại nửa Huyền sử, nửa Lịch sử.

Cái chữ “thuật lại” được các tác giả dịch Luận Ngữ sang Anh Ngữ dùng khác nhau; chẳng hạn Athur Waley dịch là “Transmitter”; Leonard A. Lyall thì dùng chữ “A teller” và chú thích rằng “of old P’eng we should be glad to know more, but the rest is silence”.

Khổng Tử giao hẹn là chỉ “thuật lại” chuyện cổ, nhưng muốn kể lại một chuyện đã qua thì phải nghe được bằng lời truyền khẩu hoặc đọc qua sách sử hay sờ mó được các vật thể của người xưa lưu lại. Do đó Khổng Tử đã không ngần ngại dựa vào một số truyền thuyết rồi “vẽ rắn thêm chân” dùng những chuyện ấy để dạy học trò. Sách Luận Ngữ rất nhiều chỗ ghi lại chuyện Khổng Tử nói về vua Thuấn thế này, vua Nghiêu thế kia khiến ngay cả học trò của ông cũng ngờ vực, thắc mắc.   

Theo nhiều sách Khổng Tử năm 28 tuổi (khoảng 518 trước Công Nguyên) đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều. Ông còn thu nhận hàng loạt học trò nữa; cũng năm này ông được vua Lỗ cấp xe ngựa, tiền bạc, đầy tớ để tới Lạc Ấp kinh đô cũ của nhà Chu mà nghiên cứu vế văn hóa, chính trị, học thuật cổ. Theo Luận Ngữ thiên Bát Dật trang 63 do Nguyễn Hiến Lê dịch có đoạn rằng “Khổng Tử vào Thái Miếu, thấy việc gì cũng hỏi. Có kẻ bảo: - Ai bảo con người dất Trâu (quê hương Khổng Tử ở nước Lỗ) ấy biết Lễ; Nếu biết thì sao vào Thái Miếu thấy gì cũng hỏi. Khổng Tử hay được bảo: - Như vậy là Lễ đấy.”

Cũng trong dịp này, Khổng Tử đã gặp Lão Tử để hỏi về Lễ. Lão Tử đã can Khổng Tử bớt hăng đi; sách Lịch Sử Triết Học Đông Phương của Nguyễn Đăng Thục dẫn Sử Ký có đoạn viết về lời khuyên của Lão Tử đại ý: “Những điều ông nói thì người và xương đều nát cả rồi chỉ còn lời nói thôi… Người hãy bỏ cái khí sắc kiêu ngạo cùng lòng ham muốn của người đi…” Khổng Tử tới kinh đô cũ của nhà Tây Chu cách thời Khổng Tử khoảng trên 500 năm mà Lão Tử lại bảo là các chuyện cũ chỉ còn truyền thuyết thì các chuyện về đời Nghiêu, Thuấn xa xưa lúc sinh hoạt còn là bộ lạc thì những chuyện cũ đâu còn gì nữa.

Về việc học bằng cách đọc sách thời Xuân Thu theo các tài liệu lịch sử như Tả Truyện, Sử Ký, History of China from Wikipedia, Shang Hanasty, Xia Dynasty… chúng ta có được các sự kiện tóm tắt như sau: Sách cổ trước thời Xuân Thu thì đã có một số gọi là Lục Nghệ gồm: Thi, Thư, Lễ, Nhạc… sách Lịch Sử Triết Học Đông Phương trang 222 trích lại: “Quốc Ngữ nói về vua nước Sở, Thái Tử Sở Trang Vương là Thái Tử đã được học bằng sách Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu (Sử của từng nước đều dược gọi là Xuân Thu). Như thế Khổng Tử chỉ là người đầu tiên đem Lục Nghệ ra ngoài cung đình dạy cho thường dân.”

Trở lại việc Khổng Tử nói chỉ “thuật lại chuyện cổ” nhưng điều mâu thuẩn nhứt là trong sách Trung Dung đời Chiến Quốc được coi là của Tử Tư lại có câu ghi rằng “Tổ Thuật Nghiêu Thuấn” có nghĩa là kể lại chuyện Nghiêu Thuấn như bậc tổ của mình. Từ sự kiện này một số các nhà nghiên cứu Khổng Học cận đại gồm cả Đông Phương và Tây Phương cho rằng Khổng Tử đã chế ra Ngu Thư tức là Kinh Thư vào đời Thuấn gồm 5 thiên kể chuyện chính sự, sinh hoạt của hai triều Đường Nghiêu và Ngu Thuấn.

Về vụ Ngu Thư theo các sách sử mà chúng ta đã tham khảo như được liệt kê ở trên thì thấy rằng Ngu Thư là sách giả vì theo sử liệu chữ viết chỉ dược sáng tạo vào đời nhà Thương (1600-1046 TCN). Loại chữ được gọi là Giáp Cốt Văn được tìm thấy đầu tiên ở An Dương thuộc Tỉnh Hà Nam nước Trung Hoa; chữ được khắc trên mai rùa gọi là Giáp và trên xương thú gọi là Cốt; cũng vào đời nhà Thương đã có người viết một số sách là Hữu Tướng Y Doãn.

Chuyện làm “hàng giả văn hóa” trong kho tàng học thuật Trung Hoa thật sự đã được Trang Tử đề cập tới từ thời Chiến Quốc (476-221 TCN); để hiểu rõ hơn về việc bịa đặt sách cổ chúng ta thấy được ý kiến của Hồ Thích được dẫn trong sách Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương do Huỳnh Minh Đức dịch ở các trang 46, 47 như sau: “Đọc sách xưa, ta nên biết lý do vì sao có mọi thứ sách ngụy tác. Thứ nhất, có một số người chủ trương lại e sợ tự mình không có uy tín, không đủ tin cậy cho nên thường mượn tên cổ nhân, Trang Tử gọi là Ngu Ngôn tức chỉ vào chủ trương đó vậy. Khang Hữu Vi rất có lý khi gọi chủ trương đó là Thác Cổ Cải Chế.

Cổ nhân mỗi khi nói gì thường xưng Nghiêu Thuấn, đó chỉ vì niên đại của Nghiêu Thuán quá xa xưa, nên chúng ta có đủ tự do lấy chế độ lý tưởng của chúng ta mà đẩy vào thời đại Nghiêu Thuấn. Tức như sách Hoàng Đế Nội Kinh giả thác của Hoàng Đế, sách Chu Bi Toán Kinh giả thác của Chu Công. Đó là một chứng minh. Hàn Phi Tử nói rất đúng: - Khổng Tử, Mặc Tử cầu đạo Nghiêu Thuấn, nhi thủ xá bất đồng giai tự vị chân Nghiêu Thuấn bất phục sinh, tương thùy sử định Nho, Mặc thành hồ. Có nghĩa là: - Khổng Tử, Mặc Tử nói Nghiêu, Thuấn mà chỗ giữ lại, chỗ bỏ đi không giống nhau và tự cho là mình nói đúng Nghiêu, Thuấn. Nghiêu, Thuấn không sống lại biết ai quyết định xem Nho, Mặc đằng nào thật.

Thứ hai: một số người vì tiền, nên cố ý ngụy tác cổ thư. Thử xét đời Hán ra lệnh sưu tầm sách còn sót lại và cac Vương gia, Quý tộc cạnh tranh tìm các sách đó ta biết ngay rằng thời bấy giờ làm sách giả có thể kiếm được nhiều tiền. Vậy làm sach giả và làm đổ cổ giả đều có tâm trạng như nhau; họ chỉ nghĩ đến tiền, cho nên cố gắng ngụy tác nhiều chừng nào càng có tiền nhiều chừng đấy.”

Trở lại việc bịa sử về Nghiêu, Thuấn; có thuyết nói rằng cái món “hàng giả Ngu Thư” không phải do Khổng Tử làm ra mà do một nho sĩ đời Hán thực hiện. Chúng ta có thể chấp nhận rằng: Khổng Tử không viết Ngu Thư cũng không sao cả nhưng chuyện Khổng Tử nói rất nhiều về Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, Võ Vương, Chu Công thì được ghi lại đầy dẫy trong Luận Ngữ thì làm sao các đệ tử Khổng Nho tranh cãi cho nổi.

Mặt khác, chúng ta có thể nhận thấy cả một “sự nghiệp bịa dặt vĩ đại” của Khổng Tử xuyên qua các lời lẽ của ông đã dạy dỗ đệ tử nhằm giải thích về Thi, Thư, Lễ, Nhạc… nhưng mục tiêu của ông đều nhắm tới chính trị là muốn khôi phục nhà Chu. Để chứng minh về điều này chúng ta có thể dẫn vài chuyện tiêu biểu:

Thứ nhất, Khổng Tử hết lời khen ngợi Nghiêu, Thuấn; Luận Ngữ do Nguyễn Hiến Lê dịch ở các trang 147, 148 như sau: “Khổng Tử nói: Vòi vọi thay, ông Thuấn và ông Vũ được thiên hạ (làm vua) mà chẳng lấy làm vui (chẳng hưởng vinh hoa phú quý). Khổng Tử nói; - Lớn thay sự nghiệp làm vua của ông Nghiêu, ông Thuấn. Vòi vọi thay, chỉ có trời là vĩ đại và chỉ có vua Nghiêu theo được trời. Lồng lộng thay dân chúng tìm được lời nào để khen cho đúng (đức nghiệp) của ông. Vòi vọi thay sự thành công của ông. Rực rỡ thay, Lễ, Nhạc và chế dộ của ông. Ông Thuấn có năm hiền thần mà thiên hạ thịnh trị…”

Trong sách Luận Ngữ còn có cả thiên Nghiêu viết: “Khi nhường ngôi cho ông Thuấn vua Nghiêu bảo: - Hỡi ông Thuấn, mệnh trời tuần hoàn, nay ngôi vua về ông; ông nên thành thực giữ đạo trung chính, nếu dân trong bốn bể khốn cùng, thì lộc trời (ban cho ông) sẽ mất hẳn đấy; về sau vua Thuấn lại truyền những lời đó cho ông Vũ.”

Cũng theo Luận Ngữ trang 118 ghi rằng: “Khổng Tử nói: - Trung dung là đức cực đẹp vậy. Từ lâu rồi người ta ít có đức đó”.

Từ việc đề cao Trung Dung ở Luận Ngữ chúng ta còn thấy Tử Tư kể lại chuyện Khổng Tử diễn tả vua Thuấn hiểu và dùng đạo Trung Dung được Nguyễn Hiến Lê trích dịch trong sách Khổng Tử trang 144 như sau: “Khổng Tử nói: - Vua Thuấn là bậc đại trí, vua Thuấn ưa hỏi, ưa xét những lời nói gần, dấu điều xấu, biểu dương điều thiện, nắm hai đầu nối lấy cái chính giữa mà dụng với dân vì thế mới là vua Thuấn vậy”.

Cũng dịch đoạn này Sào Nam Phan Bội Châu trong Khổng Học Đăng đã dịch khác ở các trang 324, 325 như sau: “Trung dung mà gọi bằng ác, có lời đúng trung dung mà gọi bằng thiện. Vua Thuấn xét cả hai phía đó, lời nói gì ác thời dấu lấp, lời nói gì thiện thời biểu dương (ẩn ác nhi dương thiện) ẩn ác nghĩa là che dấu những lời xấu của người; dương thiện nghĩa là nên tỏ những lời lành của người. Thấy những đạo lý hay ở trong lời nói lành, tuy có hai múi, có cái chếch về phía cao, có cái chếch về phía thấp, có cái thiên về phía tả, có cái thiên về phía hữu, vua Thuấn nắm lấy cả hai múi ấy (chấp kỳ lưỡng đoạn) đo lường, cân nhắc, lựa cái đạo lý vừa chính chung mà thi hành mọi việc với dân… vì hay dùng lấy đạo chung ấy mà ở với dân thế mới thành được đại chí như vua Thuấn vậy”.

Qua lịch sử Trung Hoa chúng ta biết rằng thời Nghiêu, Thuấn nếu có thì sinh hoạt chỉ là những bộ tộc du mục; tình trạng xã hội của Trung Hoa chỉ có được định cư, định canh vào thời vua thứ 19 của nhà Thương là Bàn Canh (1312-1313 TCN) sau khi dời đô sang dất Ân ở Hà Nam và từ đó mới có tên Ân Thương.

Từ sự kiện nêu trên chúng ta thấy Khổng Tử đã tưởng tượng ra đủ chuyện tốt đẹp để tô vẽ về thần tượng Nghiêu, Thuấn của ông. Một điểm cần được đối chiếu ở đây là vua Thuấn có thực sự tử tế hay không?

Theo Wikipedia thì Trúc Thư Kỷ Niên (Zhushu, Jinian) biên niên sử của nước Ngụy viết trên thẻ tre. Bộ sử này được chôn cùng với Ngụy Tương Vương chết năm 296 trước Công Nguyên; tới đời Tấn Vũ Đế năm 281 Công Nguyên mới tìm thấy bộ cổ thư này. Theo chữ viết trên thẻ tre ghi: Thuấn bắt giam Nghiêu ở Bình Dương rồi cướp ngôi vua. Thuấn còn không cho con của Nghiêu là Đan Chu vào ngục thăm cha.

Một chuyện khác nữa là Khổng Tử bịa đặt luôn nhạc Thiều đời vua Thuấn; chúng ta thấy Khổng Tử khen nhạc Thiều ở sách Luận Ngữ trang 70 do Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Khổng Tử khen nhạc Thiều cực hay lại cực tốt lành, nhạc Võ cực hay nhưng chưa cực tốt lành”. Cũng vẫn theo Luận Ngữ trang 126 ghi: “Khổng Tử khi ở Tề, nghe nhạc Thiều, ba tháng liền không biết mùi thịt, bảo: Không ngờ nhạc đó tác dộng tới ta đến như vậy. Có người dịch không ngờ vua Thuấn làm được khúc nhạc tận thiện, tận mỹ như vậy”.

Tuy nhiên theo một số sử sách Trung Hoa thì nhạc đời nhà Chu sau Nghiêu, Thuấn cả 2500 năm cũng bị mai một. Các vua nhà Chu ở thời Xuân Thu chỉ ở ngôi vua làm vì, phải dựa vào một trong Ngũ Bá che chở. Có vua Đông Chu không còn dất đai nên phải ở nhờ chư hầu đến nổi ngay lễ lên ngôi cũng không làm nổi. Các quan nhạc sư nhà Chu không còn chỗ dung thân phải di cư qua các nước chư hầu, đi tìm nghề khác để sinh sống, kẻ nào còn yêu thích âm nhạc thì phải pha trộn với nhạc của các nước lân bang nên nhạc nhà Chu cũng trở thành “tam sao thất bổn” mai một chẳng còn lại được bao nhiêu. Chúng ta tự hỏi Khổng Tử dùng phép nào để đi ngược quá khứ tới 2500 năm trước để biết được thế nào là cái hay, cái đẹp của đời Ngu Thuấn.

Nhiều sách sử viết về Ngu Thư nhưng đối chiếu thì có rất nhiều điểm khác nhau, có khi mâu thuẫn nữa. Theo Hán Thư, phần Nghệ Văn Chí đoạn số 10 có ghi rằng: “Cuối đời Hán Vũ Đế, Lỗ Cung Vương trong khi phá nhà Khổng Tử để xây rộng nhà mình ra, tìm thấy sách cổ Thượng Thư, Luận Ngữ, Lễ Ký, Hiếu Kinh đều là chữ cổ. Cung Vương bước vào trong nhà nghe thấy tiếng đàn nhạc, chiêng, trống. Sợ hãi ông ra lệnh thôi không phá hủy. Khổng An Quốc dòng dõi Khổng Tử được giữ tất cả các sách đó”.  Khổng Học Đăng trang 260 do Phan Bội Châu viết đã trích dẫn Ngu Thư, giải thích về ngôn từ dùng trong thiên “Nghiêu Điển”. Sách truyện Khổng Tử của Đoàn Trung Còn ở trang 81 viết: “Kinh Thư tức là bộ truyện, bộ sử chép các lời Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ Mạng của vua thánh, tôi hiền khuyên răn nhau, từ đời vua Nghiêu, vua Thuấn tới đời Đông Châu của Khổng Tử”.

Sách Lịch Sử Triết Học Đông Phương của Nguyễn Đăng Thục tập 1, trang 223 trích Trang Tử có câu giải thích “… Thi để dạy về Chí, Thư để dạy về Việc, Lễ để dạy về Đức Hạnh, Nhạc để dạy về Hòa, Dich để dạy về Âm Dương, Xuân Thu để dạy về Danh Phận”. Cuốn Khổng Tử của Nguyễn Hiến Lê thì viết: “Tóm lại các học giả ngay nay cho rằng những sách đời Xuân Thu mà Khổng được đọc chỉ có ít bộ sử của một số nước (nhất là Lỗ, có thể Chu nữa), Kinh Thi, Mươi Thiên trong Kinh Thư, một số thiên trong Kinh Lễ (không biết những thiên nào), Kinh Nhạc và bộ sách bói tức Kinh Dịch. Di sản đời Tây Chu để lại cho thời ông đại khái có bấy nhiêu, còn công ông san định các kinh đó thì chưa có gì chắc chắn cả”.

Trở lại trong suốt thời trai trẻ của Khổng Tử, ông bị ám ảnh bởi khát vọng phục hưng chế độ nhà Chu, nhưng ông càng bôn ba, suôi ngược thì càng gặp trở ngại đến nổi chính ông cũng chán nản. Theo Luận Ngữ thiên Thuật Nhi trang 122 có câu “Tử nói, ta đã suy lắm rồi, từ lâu không còn mộng thấy ông Chu Công”.

Sau khi Khổng Tử mất, đám đệ tử của ông chia làm tám phái và phái nào cũng tự xưng là chính thống; tuy nhiên, theo Hồ Thích thì nhận xét rằng: “Nói về học thuyết chính truyền của Khổng Môn, chúng ta có thể xem Tử Hạ, Tử Du, Tăng Tử như những người đại biểu”.

Thực ra, Khổng Nho đã bị “ế hàng” từ đời Xuân Thu qua đời Chiến Quốc, về việc này LSTHPĐ trang 282 chép lại nhận định của Hàn Phi Tử: “… Ngày nay có kẻ khen đạo của Ngiêu, Thuấn, Thang, Vũ mà đem áp dụng vào đời nay tất sẽ làm cho các bậc thánh cận đại phải buồn cười. Bởi thế mà các bậc thánh không mong thực hành cổ tục, không bắt chước cái gì được coi như đúng mãi mãi. Họ luôn luận bàn thế sự và sửa soạn cho hợp thời”.

Cũng chính vì Khổng Học “ế hàng” trong thời Chiến Quốc giữa trào lưu : ”Bách Gia Tranh Minh” đến nổi Mạnh Tử đã có thái dộ cực đoan đưa ra ý kiến “Độc Tài, Nho Trị”. Sách LSTHPĐ tập 2 trang 78 ghi lới Mạnh Tử: “Cái đạo của họ Dương, họ Mặc chẳng diệt tắt đi, thì cái đạo ông Khổng chẳng rõ rệt, ấy chỉ vì những tà thuyết làm mê hoặc dân, dầy lấp mất cả nhân nghĩa. Đường Nhân Nghĩa bị dầy lấp thì là giống loài thú ăn thịt người, mà loài cũng sắp ăn thịt lẫn nhau”.

Các học thuyết “Vị Ngã” của Dương Chu, “Khiêm Ái” của Mặc Định chỉ vì phản bác không chịu hùa theo Khổng Nho mà bị Mạnh Tử gọi là tà thuyết rồi mạt sát thậm tệ. Từ nhận xét độc đoán của người chủ trương “Tính Bản Thiện” là Mạnh Tử được cổ xúy vào đời Hán Vũ Đế với Đổng Trọng Thư dâng kế sách: “Bãi bỏ Bách Gia, độc tôn Nho Học” vào năm 116 trước Công Nguyên. Nối tiếp là các chế độ Quân Chủ Phong Kiến của Trung Hoa từ Tống, Minh, Thanh đều triệt để khai thác , áp dụng “Nho Học Độc Tôn” nhằm bảo vệ uy quyền của họ mà bịt mồn tất cả thiên hạ.

Từ nguyên do bịa đặt khởi đầu từ Khổng Tử, sau này các đệ tử Khổng Nho đua nhau “tống vào miệng” các vị tiền bối của họ đủ thứ linh tinh, nào là Khổng Tử chủ trương Tam Đại lấy ba dời Nghiêu, Thuấn , Chu dể làm mẫu mực đạo đức mà trị thiên hạ, nào là Tam Đại nói về tư tưởng Nhân, Trí, Dũng, nào là Tam Tài gồm Trời, Đất, Người. Tóm lại Khổng Tử bịa chuyện để dạy học trò, đệ tử bịa chuyện Khổng Tử đã trở thành cái “lề thói” kéo dài suốt đời này tới đời kia khiến hậu thế không còn biết “mặt mũi” của Khổng Nho thực hư ra sao nữa.

Khi nghiên cứu về một học thuyết người ta cần để ý tới cái kết quả của nó lợi, hại thế nào. Ở đây chúng ta ghi lại nhận định của Hồ Thích trong Trung Quốc Triết Học Sử trang 230: “Tôi nghĩ rằng Khổng Tử luận trí thức, chú trọng Nhất Dĩ Quán Chi, chú trọng suy luận, thật ra rất hay. Chỉ đáng tiếc là Ngài đem chữ Xem như một thứ học vấn mà thôi; sau này, mấy ngàn năm giáo dục tại Trung Quốc bị ảnh hưởng học thuyết trên mà đào tạo toàn những chàng Thư Sinh mục nát. Đó chính là điểm tệ hại của Ngài vậy”


Ngô Đình Vận
April 10, 2012


(Còn tiếp)




No comments:

Post a Comment