Wednesday, January 21, 2015

NGÔ ĐÌNH VẬN - VĂN HÓA NHÂN BẢN LẠC VIỆT / VIỆT TÍNH TRONG HUYỀN SỬ, TRUYỀN THUYẾT


Chương V
Việt Tính Trong Huyền Sử, Truyền Thuyết

Dân tộc nào thì cũng có huyền sử nói về nguồn gốc từ thời thượng cổ của chủng tộc mình. Huyền sử được truyền khẩu từ thời này sang thời khác thường chứa đựng sắc thái riêng của mỗi dân tộc như niềm tin, tư tưởng, lối sống, tập quán...

Dân Việt cũng có huyền sử với một số truyền thuyết mà tới khoảng cuối đời Trần từ 1370 đến 1400 được ghi lại trong sách Lĩnh Nam Chích Quái được coi như của Trần Thế Pháp.

Học giả Vũ Quỳnh người hiệu đính Lĩnh Nam Chích Quái trong bài tựa viết vào năm 1478 đã mở đầu rằng “Quế Dương tuy ở Lĩnh Ngoại, nhưng núi sông kỳ, đất đai linh, những người hào kiệt thường thường vẫn có. Từ đời Xuân Thu Chiến Quốc đến nay, nước dựng chưa lâu lắm, tục nước Nam đang còn giản lược, chưa có sử sách để chép việc thực cho nên việc cũ bị dị vong rất nhiều, may chỉ nhờ nhân gian truyền khẩu mà còn lại không mất.”

Trong một đoạn khác, học giả Vũ Quỳnh đã nhận xét rằng “…việc tuy quái mà không đản, văn tuy dị mà không đến yêu, tuy rằng có hơi hoang đàng nhưng tông tích còn có căn cứ, đó chẳng qua là để khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ điều ngụy, tồn điều chân, làm cho phong tục thêm phần khích lệ vậy, so với Sưu Thần Ký của người nhà Tấn, Địa Quái Lục của người nhà Dường thì cùng một ý đó.”

Về mặt thực dụng, học giả Vũ Quỳnh viết “…các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thẩy đều thông suốt, đem lòng ái mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương thường, quan ở phong tục, há có phải ít bổ ích đâu?”

Tiếp đó, tới năm 1960 (sau học giả Vũ Quỳnh 478 năm) thì có giáo sư Lê Hữu Mục, người dịch sách Lĩnh Nam Chích Quái đã phân loại các truyện trong phần dẫn nhập của sách này gồm 3 loại là Thần Thoại, Truyền Thuyết và Cổ Tích.

Riêng về loại truyền thuyết, giáo sư Lê Hữu Mục nhận xét rằng: “Qua các truyện Trầu Cau, Dưa Hấu, Bánh Chưng… ta thấy thức dậy cả một quá khứ xa xăm trong những nét vàng son rực rỡ, về loại này nguồn gốc của Lĩnh Nam Chích Quái là óc tưởng tượng rất sáng tạo của người Việt , những phong tục đặc biệt của ta xưa, những thổ sản mà chỉ riêng ta có.”

Từ các nhận xét được trích dẫn nói trên đã gợi ý cho chúng ta những kẻ hậu sinh sống ở đầu thế kỷ 21 thấy rằng các truyền thuyết liên hệ tới nguồn gốc của dân Việt nếu không thích hợp với tính tình, tập quán, phong tục của người dân thì nó đã bị dẹp bỏ chứ không thể truyền miệng và tồn tại tới ngày nay.

Cũng chính vì thế chúng ta có thể tìm hiểu xem tiền nhân đã “khuyên răn” “phong tục đặc biệt của ta” là gì bằng cách đọc lại một số truyện tiêu biểu của Lĩnh Nam Chích Quái nhằm chú trọng tới tính cách ngụ ngôn của các truyện này. Đây cũng chỉ là sự đóng góp thêm ý kiến cho một vấn đề mà nhiều thế hệ trước đã từng nói về các đặc tính của dân Việt, gọi một cách ngắn gọn là Việt tính.

Một số truyện của Lĩnh Nam Chích Quái đã có các chi tiết trùng hợp với nhau vì thế chúng tôi trình bày ý kiến theo các đề mục nêu ra sau đây. Lĩnh Nam Chich Quái là cuốn sách đã được viết cách nay khoảng trên 600 năm, lối kể truyện còn rườm rà đôi khi lủng củng. Việc dịch lại từ năm 1960, lúc đó dịch giả Lê Hữu Mục đã dùng nhiều chữ cổ vì thế khi trình bầy vấn đề chúng tôi áp dụng cách tóm tắt câu truyện ; chỉ khi nào cần chứng minh tường tận điều gì chúng tôi mới trích theo nguyên văn bản dịch mà thôi.

Dân Việt Tin Trời Đất, Thần Linh

Dân Việt có tín ngưỡng đa thần, tin Trời Đất, Qủy Thần có quyền năng phù hộ hoặc trừng phạt con người, tin rằng con người có thần tính, đặc biệt thờ ông bà đã khuất là quyền năng gần gũi nhất của mỗi gia đình đang sống. Tin vào Thần linh là điều đã được Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại ở phần lớn các câu truyện của sách này.

Truyện Hồng Bàng của Lĩnh Nam Chích Quái ghi việc Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên, Lộc Tục lấy Long Nữ (Thần Long), Lạc Long Quân lấy Âu Cơ; các cuộc hôn nhân này đều có gốc thần lình cả.

Con dân của giòng giống Tiên Rồng thì phải biết tin tưởng kính sợ thần tiên của mình; con người có thần tính tức là có cả đời sống tinh thần khác hẳn muôn loài động vật, cầm thú.

Thần tính ấy còn thấy được qua các hoạt động của tổ tong của nước Nam là làm việc lành dẹp việc dữ, cứu nguy cho dân chúng. Truyện Mộc Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái kể rằng đất Bạch Hạc thuộc Phong Châu có cây đại thụ về đời thượng cổ là cây Chiên Đàn khi chết hóa thành yêu tinh. Truyện có đoạn viết “Kinh Dương Vương dung thần thuật thắng được yêu tinh, nhưng yêu tinh nay ở chỗ này mai ở chỗ khác. biến hóa bất trắc, thường ăn người sống, dân phải lập đền thờ mà cầu đảo. Mỗi năm đến ngày 30 tháng Chạp dùng một người sống làm lễ tế thì con yêu đó mới chịu thôi, mà dân cũng được yên ổn, tương truyền với nhau là thần Xương Cuồng.”

Qua tới đời Lạc Long Quân còn có tên là Đào Kinh Long thì các truyện Hồng Bàng, Ngư Tinh, Hồ Tinh đều kể nhà vua vì thương dân chúng nên đã nhiều lần cứu con dân thoát hiểm họa. Truyện Hồng Bàng có đoạn viết “Nhân dân nước Nam khổ về sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng: -  Bố ơi ở phương nào nên mau về cứu nhân dân.      Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về…”

Lạc Long Quân cũng còn dạy dân xâm mình để tránh nạn thủy quái (giao long) cắn hại.
Truyệng Ngư Tinh thì kể rằng “Trong Đông Hải có loài Ngư Tinh mình dài hơn 50 trượng, có nhiều chân giống như chân rết, biến hoá vô cùng, linh dị khó dò được; mỗi khi đi đâu thì nổi cơn mưa gió, hay ăn thịt người, ai cũng sợ hãi.”

Lạc Long Quân đã dùng thần thuật đánh với Ngư Tinh, truyện có đoạn viết “Long Quân chém được khúc đuôi lột da treo lên núi nay gọi là Bạch Long Vĩ; khúc đầu trôi ra ngoài biển, hoá ra chó mà chạy mất, Long Quân lấy đá lấp biển thì chém được, nó bèn hoá ra đầu chó, nay gọi là Cẩu Đầu; khúc mình trôi vào Man Cầu, nay gọi là Cẩu Man Cầu là bởi đó vậy.”

Truyện Hồ Tinh kể rằng ở đất Long Biên có con Hồ chÍn đuôi ở trong hang dưới núi phía Tây, con Hồ này đã sống trên một ngàn năm hoá thành yêu chuyên làm hại dân. Long Quân mới ra tay trị Hồ Tinh bằng thần thuật dâng nước từ thủy phủ phá núi Đá Nhỏ (Tiểu Thạch Sơn), đào thành một cái thành lớn, chính giữa có vực sâu gọi là Thi Hồ Trạch nay là Hồ Tây ở Hà Nội.

Qua mấy truyện nêu trên, chúng ta thấy dân Việt tin vào thần linh và các vị vua đều lãnh lấy trách nhiệm diệt ác để cứu giúp dân chúng.

Dân Việt Là Dân Hợp Chủng

Tổ tiên của dân Việt ngay từ thời thượng cổ đã là hợp chủng, điều này thấy được qua truyện Hồng Bàng; truyện này có các đoạn viết “Đế Minh sinh ra Đế Nghi rồi đi Nam tuần đến Ngũ Lĩnh gặp nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về sinh ra Lộc Tục…”

Đế Minh là người phương Bắc đi tuần tới phương Nam lấy con gái Vụ Tiên thuộc bộ tộc khác. Lộc Tục được cai trị phương Nam là Kinh Dương Vương, việc hôn nhân của Vương có đoạn viết “Kinh Dương Vương xuống thủy phủ cưới con gái vua Động Đình Quân là Long Nữ sinh ra Sùng Lãm là Lạc Long Quân”. Tới đời Lạc Long Quân có gốc chính là Lạc Việt lại kết hôn với Âu Cơ thuộc bộ tộc khác.

Truyện Hồng Bàng cũng ghi việc Long Quân chia con với Âu Cơ một nữa theo cha xuống biển và một nữa theo mẹ lên núi; 50 người con trai theo mẹ lên núi tôn người con cả lên làm vua lập nên nước Văn Lang, vua lấy hiệu là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu huyện Bạch Hạc.

Các người con trai của Âu Cơ thuộc nước Văn Lang đương nhiên phải kết hôn với con gái của các chủng tộc khác vì thế ngay từ thời lập quốc, nước Nam đã là một hiệp chủng quốc rồi. Hiệp chủng ở đây không những là quy tụ nhiều sắc dân trong một nước mà còn sâu đậm cả về mặt ruột thịt, máu mủ nữa. Do đó, dân Việt đương nhiên không thể kỳ thị chủng tộc vì đã lai giống ngay từ đầu.

Truyện Hồng Bàng ghi rõ tục lệ cưới hỏi của dân Nam đã có từ đời vua Hùng thứ nhất với đoạn mô tả như sau “Trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu dê làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết rồi mới thương thông”. Tiếp theo đó còn có truyện Trầu Cau, khi nhà vua ăn thử thấy ngon mới truyền cho thiên hạ dùng các thứ này làm món ăn trong mọi cuộc gặp gỡ, giao tiếp, lễ hội trong đó có việc hôn lễ.

Dân Việt Không Kỳ Thị Nam Nữ

Biểu tượng của dân Việt là Tiên Rồng, đây là hai linh thần. Từ cổ xưa dân Việt đã biết được Đực Cái, Vuông Tròn là lý lẽ của Trời Đất hay còn gọi là nguyên lý Âm Dương. Do đó dân Việt không thể kỳ thị nam nữ được, vì làm sao mà coi thường một trong hai linh thần được.

Truyện Hồng Bàng ghi rõ khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia 100 người con thì mỗi bên 50 người. Việc phân chia rất đều, công bằng, bình đẳng không bên nào lấn lướt bên nào cả. Việc chia con đồng đều còn được lặp lại ở truyện thần Tản Viên. Tinh thần bình đẳng đó còn thấy được qua chiều dài lịch sử của dân Việt như việc Hai Bà Trưng  cầm đầu cuộc khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Hán vào năm 40.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết về Kỷ Trưng Nữ Vương rằng “Trưng Vương ở ngôi 3 năm, vua rất hùng dũng, nhưng  vì là vua đàn bà không thể làm nên công tái tạo.”

Ông quan viết sử Ngô Sĩ Liên đã dựa vào sử của ông Lê Văn Hưu viết như trên. Cả hai vị sử quan đời Trần và đời Lê này đều bị ảnh hưởng của Tống Nho mà nhận định là vua đàn bà không thể làm lên chuyện lớn lâu dài.

Nhưng ngay sau đó, ông Ngô Sĩ Liên đã chép nguyên văn lời bàn của ông Lê Văn Hưu cho rằng các vua đàn ông như họ Triệu, họ Ngô cũng không thể làm gì hơn được trước sức mạnh cường bạo của các triều đại vua chúa phương Bắc.

Nhà Hán, một chế độ khắc nghiệt, rất trọng Nam khinh Nữ đã phải học một bài học thất bại và ô nhục khi Hai Bà Trưng đứng lên khởi nghĩa được dân các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Viên Thái Thú của nhà Tây Hán là Tô Định đã phải trốn chạy về nước. Hai Bà Trưng đã lấy được 65 thành ở vùng Lĩnh Nam . Bà Trưng Trắc lên ngôi vua Bà mà sử vẫn gọi là Trưng Nữ Vương. Trong hàng tướng sĩ của vua Bà còn có một số nữ tướng.

Tới năm 43, nhà Hán đã phải sai một danh tướng của họ là Mã Viện đem đại quân sang đánh Trưng Vương, thế giặc quá mạnh, quân của Trưng Vương tan vỡ. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim ghi “Hai bà chạy về đến xã Hát Môn huyện Phú Lộc (nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây), thế bức quá, bèn gieo mình xuống Hát Giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão tức là năm 43 (Tây Lịch).

Trước và dưới thời Trưng Vương nước Nam đã có luật pháp riêng, khi Mã Viện chiếm lại nước Nam đã sửa lại theo cách cai trị của nhà Hán. Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam của Phạm Cao Dương có đoạn viết “Về mặt luật pháp Mã Viện đã tiếp tục những gì các quan lại nhà Hán đã làm trước đó là đem pháp luật của người Tàu áp dụng vào xã hội người Việt, buộc người Việt phải theo luật pháp Tàu. Ông đã tâu lên vua Hán 10 điều khác biệt giữa luật của người Việt và luật của người Tàu.”

Trong tập 1 của Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát có đoạn viết “Hệ thống pháp luật Việt Nam trước năm 43 ta biết tồn tại qua bộ Việt Luật. Nhưng nội dung bao gồm những điều khoản gì thì ngày nay ta chưa truy ra được do thiếu tư liệu. Chỉ biết sau năm 43, truyện Mã Viện trong Hậu Hán Thư 54 tờ 8b6-7 nói Viện điều tấu Việt Luật với Hán Luật sai khác hơn 10 điều.”

Tiếp theo đó vào năm 248 Tây lịch thì có nữ tướng Triệu Thị Trinh đã cầm đầu cuộc nổi dậy của dân quân chống lại ách đô hộ của nhà Đông Ngô.

Bà Triệu đã đánh quân Đông Ngô ở Cửu Chân (Thanh Hóa), cuộc khởi nghĩa mau chóng lan rộng, thứ sử Giao Châu hoảng sợ bỏ trốn, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại Giao Chỉ Chí của người Tàu có đoạn rằng “Trong núi ở quận Cửu Châu có người con gái họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, thường mặc áo ngắn mầu vàng, chân đi giầy mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, khi chết làm thần.”

Trong Thái Bình Hoàn Vũ Ký của Nhạc Sử đời Tống cũng chép về sự tích bà Triệu Ẩu với nội dung tương tự.

Bà Triệu chống với quân Đông Ngô khoảng trên nửa năm nhưng sau đó có kẻ làm phản nên bà đã thua trận và tuẫn tiết tại xã Bồ Điền, Cửu Chân (xã Phú Điền, huyện Mỹ Hoá, tỉnh Thanh Hoá).

Trong lịch sử nước Nam còn có một vị Vua Bà nữa là Lý Chiêu Hoàng, vua Bà này lên ngôi năm 1225 và cũng là vị vua cuối cùng của đời nhà Lý.

Dân Việt Không Kỳ Thị Tín Ngưỡng

Dân Việt từ thời cổ đã theo tín ngưỡng đa thần, tin cả qủy lẫn thần, theo đạo ông bà.

Dân Nam là hợp chủng nên thần linh của bất cứ bộ tộc nào cũng được kính trọng, thần thánh của ai thì người ấy tin, ông bà của ai thì người ấy thờ. Con cái gần nhất thì thờ ông bà đã mất, trước đó thì ông bà thờ ông bà của ông bà, nếu cứ tính mãi tới gốc thì dân nước Nam thờ tạo hoá là đấng sinh ra con người.

Bất cứ nòi giống, chủng tộc nào thì cũng có tín ngưỡng riêng sau đó mới là sự tiếp nhận các tôn giáo. Dân Việt cũng vậy trước hết tin ở qủy thần, sau thì mới tu theo các đạo khác như truyền thuyết về bà Vụ Tiên đi tu đạo Bà La Môn và sau được dân tôn là Hương Vân Cái Bồ Tát, truyện Nhất Dạ Trạch đời Hùng Vương thứ 3 có đoạn ghi về việc Chử Đồng Tử theo một người lái buôn ra khơi buôn bán, có đoạn viết rằng “Ngoài biển có một hòn núi tên là Quỳnh Sơn Viên; trên núi có một chiếc am nhỏ… Đồng Tử lên chơi trên am, có một thầy tăng tên là Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử. Đồng Tử mới lưu lại am nghe thuyết pháp… nhà sư mới cho Đồng Tử một cái gậy và một cái nón mà bảo rằng: - Linh thông tại đây đó. Đồng Tử trở về đem truyện Đạo Phật nói hết với Tiên Dung, từ đó giác ngộ, bỏ chợ buá, nghề buôn, đem nhau đi tìm thầy học đạo.”

Truyện Dưa Hấu, kể chuyện An Tiêm tin tiền kiếp của con người đã bị vua hiểu lầm cho là bội nghĩa nhưng sau nhà vua thấy sự thật nên đã hối hận cho triệu An Tiêm về và phục chức cho ông.

Tới đời Trưng Nữ Vương thì có Bát Nàn Phu Nhân là một nữ tướng sau khi bị quân Hán đánh bại đã về quê ở làng Tiên La (nay thuộc tỉnh Thái Bình), bà bị thương đã ở chùa của làng này và sau mất cũng ở đó.

Truyện Man Nương vào đời nhà Hán đô hộ nước Nam, lúc đó Sĩ Nhiếp làm Thái Thú . Truyện Man Nương kể rằng có người con gái mồ côi vào chùa lo việc nấu ăn cho các sư. Một hôm cô ngủ thiếp bên ngưỡng cửa thì nhà sư Đồ Lê, người phương Tây (Ấn Độ) bước qua mình cô, cô tỉnh dậy động tâm và mang thai. Cả cô và nhà sư đều xấu hổ bỏ chùa ra đi, sau đó Man Nương sinh một bé gái, cô tìm nhà sư Đồ Lê để trao trả. Sư liền bế bé gái tới một cây đa lớn để gửi cây đa giữ hộ. Man Nương trở lại ở chùa cũ.

Tới khi Man Nương về già trên 80 tuổi thì cây đa đổ trôi đến bến chùa, hàng trăm người kéo tới lôi cây đa để bổ làm củi nhưng không được; Man Nương nhân xuống bến rữa tay , bà bèn lấy tay kéo thử, cây đa lập tức chuyển động. Dân chúng cầu Man Nương lôi cây đa lên bờ rồi sau đó tạc làm 4 pho tượng Phật. Đoạn cuối của truyện Man Nương viết rằng “…kịp lúc đẽo đến giữa cây, chỗ dấu người con gái thì chỗ ấy đã hoá thành một phiến đá rất cứng; người thợ đẽo đúng vào chỗ đó thì rìu, búa mẻ hết, mới lấy phiến đá ném xuống giữa sông; phiến đá phóng xuất hào quang, giờ lâu mới chìm xuống nước, các người thợ đều chết hết. Mọi người đều xin nhờ Man Nương van vái mướn người kẻ chài lặn xuống vớt lên, rước vào điện Phật, lấy vàng tô lên mà thờ phụng. Sư Đồ Lê mới đặt cho 4 pho tượng là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Già trẻ trai gái bốn phưong thường nhóm họp ở chùa này chơi đùa, ca múa gọi là tắm Phật, đến nay đang còn vậy.”

Đọc qua các truyện này, chúng ta thấy sư Phật Quang thời Hùng Vương và sư Đồ Lê đời Thái Thú Sĩ Nhiếp đều biết dùng thần thuật tương tự như Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân.

Phật Giáo ngay khi tới Văn Lang đã pha trộn với phong thái của dân Việt. Hơn thế nữa dân Nam còn Việt Hóa để tác tạo thêm 4 vị Phật riêng cho địa phương và nhà sư Đồ lê cũng hoan hỉ đặt tên cho các vị Phật này nữa.

Trong Lĩnh Nam Chích Quái chúng ta thấy có rất nhiều truyện kể về thần linh như thần Tản Viên, Sơn Tinh, Thủy Tinh, Phù Đổng, Kim Quy… Các truyện này cho thấy thời Việt Cổ trọng tự do tín ngưỡng và còn có khái niệm về Hoà Đồng Tôn Giáo nữa.

Phong Tục Liên Hệ Tới Nông Nghiệp

Phong tục của dân Việt từ thời Hùng Vương đã liên hệ nhiều tới nông nghiệp. Điều này thấy được qua các truyện Bánh Chưng, Trầu Cau, Dưa Hấu. Truyện Bánh Chưng kể rằng “Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, hội hai mươi vị Công Tử lại mà bảo rằng: Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân am mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.

Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ , hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liệu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên.

Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng: - Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được. Lang Liệu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm.

Lang Liệu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ thì đem vút đi, để cho ráo rồi lấy lá chuối gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nắn làm hình tròn để tượng hình trời, gọi là bánh dầy.

Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật, các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liệu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liệu. Lang Liệu trình bầy như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liệu được giải nhất.

Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liệu để gọi là Tiết Liệu.

Hùng vương truyền ngôi cho Lang Liệu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố. Về sau, họ hằng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mọc sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thủy từ đấy vậy.”

Tiếp theo là truyện Trầu Cau ghi lại gốc tích một thứ phẩm vật dùng để ăn chơi nhưng đã biến thành cả một tục lệ để đãi đằng khách khứa trong các buổi lễ hội, họp mặt và đặc biệt dùng trong việc hôn lễ. Truyện Trầu Cau kể rằng: “Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trang mạo cao lớn, Quốc Vương cho họ là Cao, nhân lấy chữ Cao làm họ, sinh được hai trai, người đầu tên là Tân, người thứ tên là Lang, học với thầy đạo sĩ họ Lưu.

Nhà họ Lưu có một người con gái, tuổi chừng mười bảy hay mười tám muốn tìm đôi bạn, nhưng không biết người nào là anh em, bèn bưng một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn để xem ai là anh ai là em. Thấy người em nhường cho người anh ăn trước, nàng bèn ghi nhớ lấy, đem tình thực trình bầy với cha mẹ. Cha mẹ gã cho người anh kết làm vợ chồng, tình ái càng  ngày càng thân mật.

Sau đấy, người em thấy anh đãi xử với mình không bằng lúc xưa, đem lòng hờn giận mới bỏ anh mà đi. Đi đến một nơi thôn dã bỗng gặp một cái suối lớn; không có thuyền để sang ngang, người em ngồi một mình khóc ròng rồi chết hoá thành một cái cây. Đến khi người anh mất em mới bỏ vợ đi tìm thì thấy em đã chết bèn gieo mình bên gốc cây, mà tự tận hoá thành một tảng đá quấn quanh gốc cây. Sau đấy người vợ lấy làm lạ sao chồng mình đi đã lâu mà không thấy về liền bỏ đi tìm, thấy chồng đã chết, nàng cũng gieo mình ôm lấy tảng đá mà chết luôn, hoá ra một sợi dây leo vấn vít trên đá, ngọn lá mùi thơm và cay. Cha mẹ Lưu Thị đi tìm con, đến đó cũng than khóc, rồi lập đền ở chỗ ấy mà thờ, người đương thời đi qua đấy, ai cũng đốt nhang vái lậy, khen là anh em hoà thuận, vợ chồng tiết nghĩa.

Trong khoảng tháng bảy, tháng tám, khí nóng còn nồng, Hùng Vương đi tuần hành thường nghỉ chân ở đây để tránh nắng. Trông thấy trước đền im mát, dây lá phủ trùm. Vương lên tảng đá đứng ngắm nghía, hỏi ra mới biết công việc như thế. Vương lập tức bảo cận thần hái một trái cây và hái một lá leo. Vương thân nhai đi rồi nhổ trên đá, thấy nó sắc đỏ tươi biết là vị ngon mới đem về, bảo lấy đá lửa nung đá làm vôi, cùng với trái cây, lá dây hợp làm một mà ăn, thấy vị ngọt béo, thơm cay, môi mép sinh đỏ, mới truyền ban ra thiên hạ, phàm những lễ giá thú , hội đồng lớn nhỏ, đều phải lấy vật này làm trước. Từ bấy giờ nước Nam có tục ăn trầu cau là bắt đầu từ đấy vậy”.

Liên quan tới chuyện canh tác, trồng trọt vào đời Hùng Vương có chuyện Dưa Hấu. Truyện kể Hùng vương đã nuôi một đứa bé ngoại quốc do thuyền buôn chở đến và đặt tên là Yển, tên chữ là An Tiêm. Hùng Vương cưới vợ cho Yển, dần dần vua tin dùng Yển và Yển trở thành phú quý.

Tuy thế Yển thường nói rằng việc anh ta giàu có là do tiền thân của anh ta phú quý chứ không do trông nhờ vào ơn của Vương. Vương cho rằng Yển bất nghĩa bèn đầy vợ chồng Yển tới một hoang đảo. Vợ Yển lo sợ gia đình chết đói nhưng Yển (An Tiêm) nói rằng “trời sinh thì trời phải dưỡng, lo gì”.

Ít lâu sau có một con hạc trắng tha hạt tới rơi vãi xuống cát. Hạt nẩy mầm rồi lan mau xanh tốt, kết trái rất nhiều. An Tiêm thấy trái cây lạ mừng rỡ và nhận ra rằng đó là loại trái trời cho để nuôi người. Khi bổ ra ăn thì mùi vị ngon ngọt nên sau đó đã đem đổi cho các thuyền buôn qua lại để lấy luá gạo nuôi vợ con. Vì loại trái mọc lên do hạt của chim từ Phương Tây bay tới nên gọi là Tây Qua cũng có tên là Dưa Hấu.

Về vấn đề phong tục của dân Việt hình thành trong xứ nông nghiệp, chúng ta đọc lại một số các nhận xét đặc biệt của các vị tiền bối như sau:

Đông Các Đại Học Sĩ Lê Tung trong bản Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận soạn năm 1514 có đoạn viết “Kể từ khi Kinh Dương Vương, họ Hồng Bàng nối dòng dõi Thần Nông, lấy con gái vua Động Đình, sáng rõ đạo vợ chồng, theo đúng nguồn phong hoá, vua thì lấy Đức mà cảm hoá dân, giũ áo khoanh tay (chỉ làm theo phép thường mà trị nước). Dân thì cày ruộng, đào giếng; ra ngoài thì làm lụng, trở về thì nghỉ ngơi, chẳng phải là phong tục thái cổ của Viêm Đế ư?”.

Học giả Vũ Quỳnh trong lời tựa của Lĩnh Nam Chích Quái do ông hiệu đính đã viết “Tục sính lễ của người Nam không gì qúy bằng trầu cau, nêu cho rõ ra thời nghĩa vợ chồng, tình anh em càng thêm rõ rệt. Đến mùa hạ, không gì qúy bằng dưa hấu, cậy có vật của mình không cần đến ân chúa, như thế là rõ ràng. Truyện bánh chưng là để khen sự hiếu dưỡng, hạnh kiểm”.

Dịch giả cuốn Lĩnh Nam Chích Quái là Giáo Sư Lê Hữu Mục đưa ra ý kiến rằng “Về loại phong tục, ta có thể kể hai truyện điển hình là truyện Trầu Cau và truyện Bánh Chưng.Truyện trầu cau giải thích tục lệ ăn trầu và cưới xin của ta… Sau đấy Hùng Vương biết chuyện và tình cờ khám phá ra cái thú ăn cau trầu. Đó là một cách bóng bẩy để nói đến căn bản của  hôn nhân Việt Nam là ái tình”.

Bàn về truyện bánh chưng, dịch giả Lê Hữu Mục viết “Truyện bánh chưng kể lại sự quý trọng của người Việt Nam đối với bánh dầy và bánh chưng. Nguồn gốc của hai thứ bánh ấy có tính cách thần thánh vì chính thần thánh đã báo mộng cho Lang Liệu biết cách làm bánh. Bánh dày hình tròn là hình trời, bánh chưng hình vuông là hình của đất, nhân là chất làm cho trời đất có liên hệ và do đấy có sinh sản”.

Cũng trong việc nghiên cứu để đưa ra các nhận định về nền văn minh Văn Lang, tác giả Việt Nam Văn Minh Sử Cương là ông Lê Văn Siêu đã viết “Ta thấy tính cách trội hết của nền văn minh Văn Lang là canh nông. Câu chuyện An Tiêm với bãi đất An Tiêm ở Thanh Hoá, không làm việc chài lưới hay săn bắn để kiếm ăn, mà đã lấy hột dưa gieo xuống đất cho cây mọc, chứng tỏ người Giao Chỉ đã nghiêng sự chú ý về canh nông. Câu chuyện lựa người con nối ngôi tù trưởng đã lựa người con biết dùng gạo làm bánh dầy bánh chưng để tượng hình trời đất và ví công ơn cha mẹ như trời đất ấy, chứng tỏ thêm là người Giao Chỉ đã dùng ngũ cốc làm món ăn căn bản. Câu chuyện cây trầu và cây cau nữa, lại càng chứng tỏ thêm xã hội Văn Lang đã rời cuộc sống du mục mà tiến sang canh  nông để định cư tại đồng bằng”.

Về chuyện bánh chưng, ông Lê Văn Siêu còn đưa ra một nhận xét đặc biệt rằng Việc lựa đứa con có hiếu với cha mẹ cho kế nghiệp và dùng quyền trưởng nam (theo chuyện bánh dầy bánh chưng) đã chứng rõ Hùng Vương theo chính sách đức trị. Nhưng có ý còn thiết thực hơn sự truyền ngôi cho người hiền đức của vua Nghiêu, vua Thuấn bên Tàu, khi sự hiền đức này chỉ nghe thấy người ta nói chớ không kiểm chứng được bằng ngay chính đứa con của mình, sống sát ngay bên gối của mình”.

Từ các sự việc nói trên cho chúng ta thấy rõ từ thời cổ dân Việt đã có phong tục dính liền với sinh hoạt của một xứ nông nghiệp.

Trên đây chúng ta vừa điểm qua một số truyện cổ của Lĩnh Nam Chích Quái. Các truyện tiêu biểu này nằm trong cả hai thời kỳ huyền thoại và truyền thuyết. Từ đó chúng ta thấy được phần nào cái quan niệm sống, lối suy nghĩ hay còn gọi là bản sắc văn hoá của dân Việt.

Các yếu tố căn bản ấy gồm:

Thứ nhất dân Việt tin ở trời đất, quỷ thần, thuận theo ý trời.
Thứ hai dân Việt khuyên răn nhau làm lành lánh dữ, làm phúc để đức cho con cháu.
Thứ ba trọng chữ hiếu, thờ cúng ông bà.
Thứ tư không kỳ thị chủng tộc.
Thứ năm không kỳ thị tôn giáo.
Thứ sáu không kỳ thị nam nữ.
Thứ bảy có nhiều phong tục dính liền với nông nghiệp.

Các yếu tố căn bản tức là Việt tính này còn được tìm thấy rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, tập quán mà chúng ta sẽ đề cập tới ở các phần kế tiếp được gọi chung là Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt.

Ngô Đình Vận
Santa Ana, California 2005


(Còn tiếp)




No comments:

Post a Comment