Monday, September 21, 2015

TRẦN NGUYÊN THAO - HÀ NỘI BỊ NGHIỀN ÉP TRONG CUỘC CHIẾN TIỀN TỆ


HANOI BỊ NGHIỀN, ÉP
TRONG CUỘC CHIẾN TIỀN TỆ

Trần Nguyên Thao

Sau khi hạ tỷ giá đồng bạc VN so với Đôla xuống 2% vài tháng trước, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) nói là “không điều chỉnh tỷ giá VND/USD nhiều hơn 2% trong năm 2015”. Nay, còn gần 5 tháng nữa mới hết năm, Hanoi buộc phải “mở rộng biên độ tỷ giá từ 1% đến 2%”. Một tuần sau, ngày 19 tháng 8, NHNN lại thông báo phá giá đồng bạc Việt Nam thêm 1%, đồng thời nâng biên độ tỷ giá VND/USD từ 2% lên 3%. Tính từ đầu năm đến nay, đồng bạcViệt Nam so với Đôla thực tế đã mất giá 5%. Động thái này được ví như cử chỉ “lúp túp” bám theo đàn anh phương Bắc, khi Bắc Kinh ép Hanoi vào “tình trạng lúng túng bất ngờ”: liên tiếp 3 ngày (11, 12 & 13 tháng 8), Bắc Kinh hạ tỷ giá đồng Nguyên so với Đôla (3) lần xuống mức 4.6%. Quyết định này của Bắc Kinh theo sau động thái bơm 900 tỷ ra để cứu nguy vô vọng hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến tuột dốc thảm hại, mất trắng gần 30% trị giá! Theo ước tính từ những nghiên cứu về tiền tệ thì, Bắc Kinh có thể hạ tỷ giá đồng Nguyên so với Đôla đến mức 10% nội trong năm nay.

Hanoi biểu tỏ nỗi âu lo rằng, Bắc Kinh hạ giá đồng Nguyên với tỷ lệ lớn nhất trong hai thập kỷ qua chắc chắn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam, vì Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất mua từ nước láng giềng phương Bắc. Điều đáng lo ngại là VN đang nợ nước ngoài khá nhiều. Nếu giảm giá đồng bạc Việt Nam thì Việt Nam phải chi tiêu thêm nhiều hơn để trả nợ.

Kể từ năm nay, Việt Nam sẽ bị tăng tốc độ trả nợ, từ mức khoảng 7,5 tỷ Đôla mỗi năm lên 9,5 tỷ Đôla, điều này sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách - vốn đã khó khăn, nếu tỷ giá với Đôla Mỹ còn tăng tiếp. Khi đồng tiền Việt Nam yếu hơn sẽ đẩy tăng chi phí đi vay của Việt Nam.

Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra thí dụ : Trước đây cùng một mặt hàng, Trung cộng bán cho ta 100 đồng thì nay, giá chỉ còn 95 đồng. Ngược lại, hàng Việt Nam bán vào Trung cộng ngày trước là 100 thì nay giá là 106. Khi đó, đương nhiên hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó hơn, do bất lợi về giá.

Tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra trên các thị trường quốc tế. Một ví dụ cụ thể khác được Tiến Sĩ Thành nêu lên là trường hợp tôm hay hàng quần áo đang xuất khẩu vào Mỹ. Nếu trước đây, hàng Việt Nam và Trung Quốc đều như nhau ở mức 100 chẳng hạn, nhưng nay, hàng Trung Quốc sẽ chỉ là 95, còn hàng Việt Nam vẫn là 100.

Gần một thập niên qua, Trung cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu chỉ riêng từ Trung cộng chạm mốc 28,8 tỷ Đôla trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 22,5% so với 1 năm trước. Xuất khẩu chỉ ở mức 8,3%, tức 9,3 tỷ Đôla. Như vậy mức nhập siêu từ Trung cộng nội 7 tháng đầu năm cũng gần 20 tỷ Đôla, cùng kỳ năm ngoái chỉ có 14.9 tỷ Đôla - một hình ảnh Hanoi lệ thuộc Bắc Kinh quá lớn trong ngoại thương. Với Việt Nam, rõ ràng hàng xuất khẩu Trung cộng sẽ có ưu thế và nguy cơ nhập siêu sẽ ngày càng lớn. Trọn năm 2015, mức nhập siêu từ Trung cộng có thể xít soát 40 tỷ Đôla!

Chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan dự báo, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu nếu Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý hơn.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh dẫn một số nghiên cứu cho biết Trung cộng có thể phá giá đồng Nguyên đến 10% trong năm nay. Lúc đó phản ứng của NHNN Việt Nam thế nào thì sẽ còn là một vấn đề phải xem xét.

Theo hãng tin Anh Reuters, đại diện Ngân hàng HSBC tại Việt Nam hoan nghênh phản ứng nhanh chóng và hầu như chưa từng thấy của Việt Nam, cho thấy là NHNN đã sẵn sàng ứng phó với các thách thức của thị trường. Các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng ANZ cũng ghi nhận là phản ứng của Việt Nam mạnh bạo hơn dự kiến.

Ngay lập tức, sau khi Trung cộng hạ giá đồng Nguyên, Đôla và vàng tại thị trường chợ đen Việt Nam vọt lên kỷ lục mới. Tỷ giá trần là 22.547 VND/USD sau khi biên độ tỷ giá VND/USD được nới lên 3%. Chỉ từ sáng đến trưa ngày 13 tháng 8, giá vàng đã tăng nóng thêm 900.000 đồng mỗi lượng. NHNN chính thức xác nhận rằng sau sự kiện Trung cộng phá giá mạnh của đồng Nguyên, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ có thể tăng lãi suất” vào tháng 9 này.

Hồi tháng 6, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm quyến lao dốc, Bắc Kinh nói là nền kinh tế tăng trưởng đến 7%. Nhưng sau đó, các số liệu cho thấy xuất cảng giảm mạnh đến 8%, so với cùng ky năm ngoái, nhập khẩu cũng giảm, cùng với chỉ số về đơn đặt hàng chế biến gọi là PMI cũng sa sút. Đưa kinh tế Trung cộng đến suy trầm. Vì vậy, Bắc Kinh có nhu cầu bơm tiền kích thích kinh tế.

Điều mà Bắc Kinh “cay cú” là bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa thẩm định vào tuần lễ đầu tháng 8 rằng, “đồng Nguyên của Trung cộng chưa đạt tiêu chuẩn để trở thành ngoại tệ dự trữ.”

Theo Wall Street Journal, việc Bắc Kinh phải dùng đến vũ khí nhân dân tệ để tự cứu mình, bất chấp láng giềng, có thể có hệ quả không tốt cho chính sách khu vực của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang rất muốn (1) dùng lợi ích kinh tế để thuyết phục các nước chấp nhận quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông, (2) hậu thuẫn cho định chế tài chánh đa phương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung công làm đầu tầu, sẽ hoạt động vào đầu tháng 12 tới, (3) cũng như ủng hộ Trung cộng trong việc đòi Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận đồng Nguyên là ngoại tệ dự trữ toàn cầu.

Với tình huống này, “ba giấc mơ” vung cánh tay quyền lực mềm nhằm khống chế các nước lân bang của Trung Nam Hải xem ra còn chạm vào vô vàn lực cản, cũng như gặp chính cảnh suy yếu kinh tế và “chảy máu” nội tại về tiền tệ (nhà giầu Trung cộng chuyển tiền ra đầu tư nước ngoài cho an toàn) là những thách đố cho hy vọng thành công của giấc mộng Bắc Kinh tai vùng Á Châu, Thái Bình Dương.

Tại Trung Á, Bắc Kinh muốn gia tăng tầm ảnh hưởng qua “Con đường tơ lụa mới”.  Dự án này nói là sẽ hoàn thành vào năm 2049, gồm một vòng đai qua đường hàng hải và một tuyến đường trên bộ. Vòng đai biển là những con đường hàng hải và những hải cảng thương mại do Trung cộng tài trợ. Tuyến đường bộ gồm, đường sắt, xa lộ nối liền miền tây Trung Quốc với Tây Âu, đường đến cảng Gwadar ; có chiều dài tổng cộng 11.000 km nối liền các trung tâm lớn thế giới – chiếm 55% tổng sản phẩm nội địa, 70% dân số và 75% lượng dầu khí đã phát hiện trên toàn cầu. Đây cũng có thể là một đai dự án “đội đá vá trời”.

Tuy nhiên, đối với Hanoi từng “dâng mình” cho Bắc Kinh từ trước để đổi lấy sự tồn vong chế độ, thì nay bị phuong Bắc nghiền, ép thêm vào cuộc chiến tiền tệ không cân sức là điều phải xẩy đến.

Bắc Kinh hiện nắm giữ thế thượng phong trong việc bán nguyên liệu cho nền công nghệ chế xuất của VN. Hàng lậu từ Trung cộng tràn vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam mỗi năm nhiều bằng hàng nhập cảng chính thức. Bắc Kinh đang nắm giữ 90% các dự án kỹ nghệ quan trọng của Việt Nam; làm chủ nhiều khu thương mai và làng thương mại to lớn, cũng như mua nhiều khu rừng có tài nguyên lâm và khoáng sản giá trị; làm chủ công trình kỹ nghệ gang thép Vũng Áng, có đến 60 ngàn công nhân và gia đình người Tầu sinh sống, mỏ Boxit Tây Nguyên với nhiều làng người Tầu mọc lên từ lâu trong vùng này. Cả hai Vũng Áng và Boxit Tây nguyên được coi là các địa điểm chiến lược quan trọng sống còn của Việt Nam, lại do người Tầu năm giữ, và có hàng chục ngàn người Tầu làm ăn sinh sống như “một đạo quân nằm vùng”. Ngoài biển, Bắc Kinh đã chiếm giữ, xây thêm các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự và phi đạo cho máy bay quân sự lên xuống . . . Phía Tây Nam, cũng là Trung cộng, dùng bàn tay Cam-bốt quấy nhiễu vùng biên giới. Các việc này diễn ra được là do chính Hanoi từ lâu lần lượt mở cửa cho Bắc Kinh thao túng nền kinh tế Việt Nam.

Trong tình huống này, Hanoi nên tỉnh ngộ nhận ra kết quả thăm dò của viện nghiên cứu PEW gần đây, theo đó 79% dân chúng được hỏi ý kiến tỏ ý công khai “chống Trung cộng”. Tình thế này có thể còn nhiều bất ngờ, vì Bắc phương vẫn muốn nuốt chửng Việt Nam. Nếu Hanoi dựa vào lòng dân, ý trời, thì Bắc Kinh có toan tính cách mấy cũng có ngày “ngộ xin cuốn gói quay về cố hương”.

Trần Nguyên Thao
August 19, 2015




No comments:

Post a Comment