Sunday, December 31, 2017

VIẾNG THĂM SYDNEY, ÚC CHÂU – TUYẾN ĐƯỜNG TỪ BẾN PHÀ PARRAMATTA ĐẾN CIRCULAR QUAY /P2



Sydney (VanHoaNBLV) – Nhân dịp Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt viếng thăm Sydney, chúng tôi có dịp ghi lại một số hình ảnh và sinh hoạt tại đây trong chuyến viếng thăm Opera House, khởi đầu là chuyến đi từ Blacktown đến Bến phà Parramatta, kế đến chúng tôi đi theo chuyến phà Rivercat dọc theo sông Parramatta để đến Circular Quay.

Phóng sự này được thực hiện vào sáng ngày 29 tháng 11 năm 2017 tại Thành phố Sydney, Tiểu bang New South Wales, Úc Châu.

Friday, December 29, 2017

TẠ PHONG TẦN – CƠM CHIỀU KHO CÁ LÒNG TONG



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Người miền Tây Nam bộ có câu hát vui rằng: “Chèo ghe bán cá lòng tong, mũi chảy lòng thòng chẳng có ai mua”. Ghe là một loại xuồng lớn, thân rộng và bầu, mũi thấp, thường dùng để vận tải lúa gạo, củi trên sông. Còn cá lòng tong thì lại nhỏ xíu bằng đầu đũa, chẳng ai lấy ghe mà chở cá lòng tong bao giờ, làm gì có nhiều cá lòng tong đến mức phải chở bằng ghe. Mũi chảy lòng thòng thì đích thị là mấy đứa con nít “thò lò mũi xanh” làm chuyện “ruồi bu kiến đậu”, hổng ai mua là đúng rồi.

Nhà báo Tạ Phong Tần cho biết thêm: “… Hồi nhỏ, tôi hay nghe bà ngoại nói: “Hồi trẻ tao mê coi hát, hổng có tiền mua vé ngồi ở trên, mua được vé ngồi ghế hạng cá kèo là mừng húm”. Hạng ghế cá kèo là hạng bét nhứt, thấp nhứt, ngồi ở tầng hai mà còn xa biệt dục, nhìn lên sân khấu thấy nghệ sĩ đi tới đi lui nhỏ xíu như con búp bê, người xem không thể nhìn rõ mặt. Cá kèo đã bị coi là nhỏ rồi, nhưng con cá kèo còn bự hơn con cá lòng tong gấp mấy lần nữa. Con cá lòng tong nhỏ bé như thế, nên mới có câu ca: “Thiếp như con cá lòng tong/ Đói đem kho quẹt đỡ lòng trống không”.

Cư dân mạng còn lưu truyền câu chuyện khôi hài về cái sự “nhỏ” của cá lòng tong như sau: “Ông Tý (mới đi bộ đội về) gắp một mớ cá lòng tong kho tiêu vào chén. Ông hỏi:”Cá nầy là cá gì mà ngon quá. Kho tiêu cay, ăn thấm miệng”. Bà chị dâu ông cười và trả lời:  “Đây là cá lòng tong”. – “Cá lòng tong là cá gì?”. – “Là một loại cá voi, đã được sống trong xã hội chủ nghĩa lâu năm”.

Nghe nói ở miệt sông Tiền, sông Hậu nước ngọt, khi mùa nước nổi bắt đầu dâng ở đầu nguồn ngập các bờ bãi ven sông là thời điểm bắt đầu của mùa cá lòng tong. Mùa này kéo dài cho đến cuối năm âm lịch. Để bắt cá lòng tong, người ta đào một cái ao rộng khoảng mười mét vuông, mở một cửa có rãnh nhỏ, ngắn dẫn ra sông (hoặc kênh, rạch). Nơi rãnh tiếp giáp kinh, rạch được chặn lại bằng một tấm lưới cứng mắt dày hoặc tấm phên tre. Khi nước lớn, người ta rút tấm lưới (phên tre) lên, nước vào đầy ao thì hạ tấm lưới (phên tre) xuống. Khi nước ròng rút ra ngoài thì cá bị giữ lại trong ao, chỉ việc dùng vợt lớn để xúc hay dùng tấm vải mùng lớn, hai người cầm hai bên lội dưới ao kéo qua một cái là cá dính vào đầy tấm vải.

Quê tôi vốn sát bờ biển, các con sông, kênh đều có hai mùa nước lợ và nước mặn. Nước sông chỉ ngọt khi đầu mùa nước nổi, mưa thật lớn, nước tràn trề từ sông Tiền sông Hậu đổ về thì nước mới ngọt được vài ngày. Đây cũng là lúc các loại cá đồng, trong đó có cá lòng tong từ thượng nguồn trôi xuống tấp vô các ao hồ, đồng ruộng rồi sống luôn ở đó, chớ trôi ra sông gặp nước mặn từ cửa biển ập vào là lòng tong sống hổng nổi. Vì vậy mà cách bắt cá lòng tong quê tôi cũng khác hơn thiên hạ…”

Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại bằng video buổi diễn đọc của Tạ Phong Tần, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật Và Công Lý về đề tài nêu trên vào chiều ngày 21 tháng 12 năm 2017 tại một địa điểm thuộc Thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.

TẠ PHONG TẦN – CHÁO RẮN HỔ HÀNH



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Miền Tây Nam bộ từ thời khai hoang lập ấp cách đây hơn 300 năm vốn được coi là xứ “trên cơm dưới cá”, dân tình làm chơi chơi mà ăn thiệt. Loài vật sinh sôi nảy nở tự nhiên, thứ gì cũng nhiều thiệt nhiều. Phàm con gì sống lâu, sống dai quá, người ta đồn nó khôn ngoan đến mức thành tinh (yêu tinh), nên mới có câu vè: “Muỗi kêu như sáo thổi/ Đỉa lội tợ bánh canh/ Cỏ mọc cọng thành tinh/ Rắn đồng đà biết gáy”. Rắn mà biết gáy là ý nói con rắn nó lớn,  nó già như thế nào rồi.

Nhà báo Tạ Phong Tần cho biết thêm: “…Cách đây 20 năm, tôi theo đứa em bà con chú bác về quê miệt Cà Mau chơi. Thấy nhà nó sáng sớm đã nấu nồi cơm bự tổ bố trên bếp rồi ủ tro nóng để đó. Nó lấy cái giỏ tre đeo lên lưng, bước ra cửa vừa đi vừa nói: “Chế ở nhà coi chừng nhà. Tui đi kiếm món gì về ăn cơm”. Tôi nhìn quanh thấy nhà nó đâu có món gì quý giá phải “coi chừng” đâu, trừ ba bốn con chó vàng, chó đen ngồi chồm hổm trước hàng ba. Tôi hỏi nó: “Kiếm ở đâu dị? Tao đi với”. Nó nói: “Tui đi bắt đẻn, rắn gì cũng được, bắt được con nào xào con nấy”. Ý trời, nghe nói đẻn là phát ớn, thôi không đi nữa. Quả thật, nó đi chừng 30 phút thì trở về thảy giỏ xuống đất cái ạch, trong giỏ đã có 3-4 con đẻn bự bằng cườm tay da rằn ri trắng đen nằm cuộn quấn xà nùi với nhau. Nó lôi ra nấu nước sôi làm thịt, rồi chặt khúc kho tương ăn với chuối ghém bóp giấm đường. Nó nói: “Ở đây không có đi chợ mỗi ngày đâu. Sáng nay ăn đẻn, trưa lấy mắm chua trong khạp ra ăn đến chiều. Mai tui đi nhổ mấy cần câu cắm bắt cá lóc đem về nấu canh chua”.

Người “yếu bóng vía” thấy rắn là sợ chạy mất dép. Rắn có loại lành cắn không chết, loại độc cắn chết ngay hoặc vài ngày sau mới “theo ông theo bà” nếu không cứu chữa kịp thời. Bề ngoài rắn cũng không dễ thương chút nào. Nếu không phải là tay chuyên bắt rắn, thì không ai dám nói mình thích con rắn như thích gà, thích vịt hay thích trâu, heo, chó, mèo… Dân Cà Mau kêu rắn biển là đẻn. Con đẻn nhìn hình dạng nó còn xấu xí hơn con rắn nữa, mà nó cũng độc hơn rắn nhiều. Có người đi lặn biển bắt cá, rủi gặp phải đẻn mà phản ứng không kịp, nó cắn cho một phát, khi lên tàu một lúc đã lăn đùng ra chết mà tàu còn chưa kịp về đến bờ. Tôi hỏi nó: “Sao mày không bắt rắn hổ về nấu cháo ăn”. Nó nói: “Tháng này chưa tới mùa gặt lúa, chuột đồng chưa ra nhiều, khó bắt rắn lắm. Rắn hổ là chúa bắt chuột đồng đó”.

Xứ này, nông dân muốn ăn rắn chịu khó săn lùng một chút là kiếm được dễ dàng. Không phải mùa chuột đồng, thức ăn khan hiếm, rắn thường vào chuồng gà bắt gà, vịt ăn. Riêng về rắn hổ đã có nhiều loại là hổ đất, hổ mây, hổ ngựa, hổ hành. Rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh là ngon nhất…

Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại bằng video buổi diễn đọc của Tạ Phong Tần, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật Và Công Lý về đề tài nêu trên vào chiều ngày 21 tháng 12 năm 2017 tại một địa điểm thuộc Thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Wednesday, December 27, 2017

TẠ PHONG TẦN GIỚI THIỆU CHƠI ĐÈN GIÁNG SINH MỘT SỐ NHÀ DÂN LITTLE SAIGON, QUẬN CAM



Little Saigon (VanHoaNBLV) - Mỗi Giáng sinh về là dịp một số công dân quận Cam, Nam California lại khoe tài khéo léo của mình bằng nhiều cách trang trí đèn màu rực rỡ quanh nhà đón Ông Già Noel- Santa Claus.

Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi chín con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi.

Ngày nay, người ta chấp nhận Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra (280 - 343), Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Nicolas sinh thời là Giám mục Nicolas. Thánh Nicolas là ông lão có râu, tóc màu trắng, trang phục là quần áo đen, cỡi lừa và chỉ có áo choàng màu đỏ.

Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt đã ghi lại phóng sự này của Tạ Phong Tần, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật & Công Lý vào tối ngày 24 tháng 12 năm 2017 tại một số địa điểm thuộc Quận Cam, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Sunday, December 24, 2017

TẠ PHONG TẦN – NHỚ MỘT THỜI BÁNH DỨA



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Trong những bài viết do Tạ Phong Tần viết đã đăng báo về Văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, bài “Nhớ Một Thời Bánh Dứa” là bài đầu tiên mà Nhà báo Tạ Phong Tần chọn để thu hình và diễn đọc nó trong loạt video “Tạ Phong Tần – Hương Vị Quê Nhà” trên Channel VanHoaNBLV1.

Nói về mùi vị và lịch sử của bánh dứa Nhà báo Tạ Phong Tần viết: “…Tôi đọc nhiều thơ, nhiều tác giả, tôi vẫn thích nhất đọc thơ Nguyễn Bính. Ở tác giả Nguyễn Bính, mỗi lần đọc lên, tôi ngửi thấy cái không khí lành lạnh, ẩm ướt, trong trẻo của sương sớm, cái mùi thơm nồng nồng ngai ngái vừa đăng đắng cay cay ngòn ngọt của cỏ non, cái thơm của hột lúa mới vừa ngậm sữa, của hoa dại… trên cánh đồng bao la bát ngát vào lúc mặt trời len lén bò lên đường chân trời ở phía xa xa. Túm lại nó là một thứ vô hình được người đời đặt cho cái tên là “hương đồng cỏ nội”.

Chuyện ngửi thơ, ngửi văn chẳng liên quan gì đến chuyện bánh trái nếu nó không cùng lúc “đại hội anh hùng” trong một đứa như tôi. “Bởi các lẽ trên” (nói theo kiểu quan tòa), tôi cũng thích thưởng thức các loại bánh trái đơn sơ, mộc mạc, thơm mùi nếp mới, gạo mới của bà Tư hàng xóm. Thích hít lấy hít để từng cái bánh dứa mới tinh khôi vừa hình thành từ bàn tay khéo léo của bà Tư, giống như thích đọc thơ Nguyễn Bính vậy.   

Xin nói rõ ngay từ đầu để bà con cô bác khỏi hiểu lầm, món tôi sắp giới thiệu ra đây cho bà con thưởng thức là bánh dứa (dấu sắc), không phải bánh dừa (dấu huyền). Mặc dù bánh này không có chút chi liên quan dây mơ rễ má, họ hàng gì với trái dứa (khóm, thơm) hết, nhưng “y ta” vẫn cứ thản nhiên mang tên “dứa” ít nhất cũng hơn một thế kỷ mà không hề động đậy cắn rứt lương tâm chút nào. Bằng chứng là cho đến ngày hôm nay “y ta” vẫn cứ là “bánh dứa”, không thấy “y ta” tự mình nộp đơn hay ủy quyền cho ai đó làm đại diện tiến hành thủ tục xin cải chính tên gọi. Ấy là tôi hàm hồ đoán thế, có thể “y ta” còn già tuổi hơn nhiều, biết đâu “y ta” được “khai sinh” cách đây 300 năm, thời khai hoang lập ấp ở miền Tây Nam bộ?. Tôi đến tuổi ăn được bánh thì tôi đã thấy sự hiện diện của “y ta” rồi…”

Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại bằng video buổi diễn đọc của Tạ Phong Tần, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật Và Công Lý về đề tài nêu trên vào chiều ngày 21 tháng 12 năm 2017 tại một địa điểm thuộc Thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Saturday, December 23, 2017

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH PHONG CẢNH VN TRONG VƯỜN NHÀ CỦA NGƯỜI VIỆT Ở ÚC



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt nhân cơ hội viếng thăm Sydney, Úc Châu đã có dịp phỏng vấn chị Megan Nguyễn (Mỹ Khanh) và anh Nguyễn Tuấn Linh, cư dân Thành phố Fairfield, Sydney về những phương cách tạo những hình ảnh, biểu tượng quê hương VN trong vườn nhà như bản đồ VN, Chùa một cột… cùng những biểu tượng của thành phố Sydney như Sydney Harbour Bridge, Opera House, làm hang đá Bêlem đón Giáng sinh cũng như cách trồng rau trái gọn nhẹ trong vườn bằng hệ thống thủy canh. 

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào buổi sáng ngày 4 tháng 12 năm 2017 tại tư gia của anh Nguyễn Tuấn Linh ở Wakeley, Thành phố Fairfield, Sydney, Úc Châu.

TẠ PHONG TẦN: TRẠM BOT VÀ “ĐÁNH” BOT NHƯ THẾ NÀO?



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Nhân sự kiện nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cho đặt những Trạm thu phí BOT quá dày đặc (hiện toàn quốc đã lên tới 88 trạm, theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải), có nhiều nơi 100 km có tới 4 trạm như Thanh tra Chính phủ kết luận là không đảm bảo khoảng cách trung bình (70 km) như luật định, làm tăng chi phí hàng hóa, hậu quả đời sống dân ngày càng khốn khó. Nhà báo Tạ Phong Tần cho rằng: “… Trách nhiệm xây dựng, duy tu, bảo trì đường quốc lộ, tỉnh lộ là của nhà nước, kinh phí thuộc ngân sách quốc gia, người dân sử dụng không phải trả phí thêm lần nào nữa.

Không ai được quyền cho phép đặt trạm BOT thu phí, không ai được quyền thu phí BOT trên những con đường được xây dựng, duy tu, bảo trì bằng kinh phí ngân sách quốc gia.

Có một nguyên tắc bất di bất dịch là anh sử dụng cái gì anh trả tiền cho cái đó, anh không sử dụng thì không phải trả tiền. Vì vậy, phương tiện cơ giới nào không sử dụng những con đường, cái cầu do chủ đầu tư tư nhân xây dựng, mà vẫn phải trả tiền thì đó là sự vô lý, bất công, trái pháp luật.

Hợp pháp hóa những trạm BOT trên đường quốc lộ, tỉnh lộ là một hình thức nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cấu kết với phe cánh, nhóm lợi ích, dùng quyền lực nhà nước cướp tài sản (bắt buộc trả phí thứ mà dân không sử dụng của nhà đầu tư) của người dân Việt Nam…”

Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt ghi lại buổi nói chuyện của Tạ Phong Tần, Cựu Tù Nhân Chính Trị, Nhà Báo Tự Do, Blog Sự Thật Và Công Lý về đề tài nêu trên vào chiều ngày 21 tháng 12 năm 2017 tại một địa điểm thuộc Thành phố Garden Grove, miền Nam California, Hoa Kỳ.

Wednesday, December 20, 2017

NHẠC SĨ LÊ VÂN TÚ VỚI NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ÂM NHẠC NGƯỜI VIỆT HẢI NGOẠI TỪ ÚC CHÂU



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt nhân cơ hội viếng thăm Canberra, Úc Châu đã có dịp phỏng vấn Giáo Sư, Nhạc Sĩ Lê Vân Tú, Cựu Giáo Sư Đại Học Melbourn, Đại Học Canberra và Học Viện Không Quân Hoàng Gia Úc về những đóng góp của ông trong lãnh vực giáo dục tại Úc cũng như những đóng góp cho âm nhạc của Người Việt Hải ngoại từ nhiều thập niên qua.

Được biết Giáo Sư Lê Vân Tú cũng là một Nhạc sĩ sáng tác hơn 80 ca khúc về tình yêu quê hương, lứa đôi, tình bạn bè, trường lớp. Ông tâm sự: “… Tôi dùng âm nhạc để giữ gìn tâm hồn cho khỏi khô cằn… Âm nhạc của tôi rất là bình thường: tức là hễ buồn thì viết bài buồn, vui thì viết bài vui nhưng mà vì cái lòng tôi rất nhiều nghĩ về quê hương cho nên một số nhạc của tôi cũng có đượm cái tình quê hương ở trong đó. Chẳng hạn như cái bài “Đêm buồn Việt Nam” để nói về nỗi lòng của tôi khi nghĩ đến những sinh viên mà tôi đã có dịp nói chuyện, tương lai của họ không được rõ ràng như là họ mong muốn. Cái bài “Nghĩ về quê hương” cũng vậy, cũng thấy quê hương tại sao càng ngày càng thay đổi một cách không như ý muốn, người giàu thì quá giàu, đến những lâu đài rất là nguy nga, thì có những người giàu có, có những người rất là khốn khó… Có những bài như “Việt Nam quê hương ngàn đời” hay là bài “Chim bay về Huế” hay là bài “Đưa em về miệt vườn” đó là một số nhạc của tôi mà có liên quan tới quê hương. Ngoài ra là phần lớn là nhạc tình cảm tức là tình yêu, tình yêu lứa đôi, tình bạn bè, tình trường học như bài “Về thăm trường xưa” cũng là một bài nói về trường học, tình bạn học với nhau…”

Muốn biết thêm chi tiết về Nhạc Sĩ Lê Vân Tú và những sáng tác của ông Xin quý khán thính giả của chương trình vào Website: www.nhacviet-ucchau.com hay www.youtube.com/user/vylan07 

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào chiều ngày 5 tháng 12 năm 2017 tại tư gia của Giáo Sư Lê Vân Tú thuộc Thành phố Canberra, Úc Châu.

Sunday, December 17, 2017

GIÁO SƯ LÊ VÂN TÚ – NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA NGƯỜI ÚC GỐC VIỆT TRONG LÃNH VỰC GIÁO DỤC TẠI ÚC CHÂU



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt nhân cơ hội viếng thăm Canberra, Úc Châu đã có dịp phỏng vấn Giáo Sư Lê Vân Tú, Cựu Giáo Sư Đại Học Melbourn, Đại Học Canberra và Học Viện Không Quân Hoàng Gia Úc về những đóng góp của ông trong lãnh vực giáo dục tại Úc.

Ngoài việc dạy học ra Giáo Sư Lê Vân Tú đã bỏ rất nhiều thời gian để viết sách và làm khảo cứu, như cuốn “Techniques of Prolog Programming” mà ông đã mất gần bốn năm trời mới viết xong. Về phương diện khảo cứu ông đã chế tạo ra những software để dùng cho thực tế như giúp cho người mắc bệnh tiểu đường có thể xếp đặt những bữa ăn làm sao cho vừa có đủ dinh dưỡng, vừa giới hạn lượng đường và muối trong thức ăn. Ông cũng đã chế tạo ra software giúp cho những người mua chứng khoáng cùng những software khác để nhận dạng chữ viết, tiếng nói, hình ảnh ở trong con mắt để phân biệt và nhận dạng từng người. Trong thời gian dạy học ông cũng từng giữ chức vụ Khoa trưởng của Sinh viên vụ giúp đỡ sinh viên bằng cách xây dựng các cơ sở, cư xá cho họ, giúp họ tổ chức đời sống, đặc biệt với những sinh viên ngoại quốc giúp họ về mặt tâm lý để thích ứng với hoàn cảnh mới.

Được biết Giáo Sư Lê Vân Tú cũng là một Nhạc sĩ sáng tác hơn 80 ca khúc về tình yêu quê hương, lứa đôi, tình bạn bè, trường lớp… Xin quý khán thính giả của chương trình xem tiếp video “Nhạc Sĩ Lê Vân Tú Với Những Đóng Góp Cho Âm Nhạc Của Người Việt Hải Ngoại Từ Úc Châu” trên Channel VanHoaNBLV1.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào chiều ngày 5 tháng 12 năm 2017 tại tư gia của Giáo Sư Lê Vân Tú thuộc Thành phố Canberra, Úc Châu.

Wednesday, December 13, 2017

PHỎNG VẤN ĐẶNG NHƯ HIỀN THẾ HỆ TRẺ TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN TẠI ÚC CHÂU



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt nhân cơ hội viếng thăm Sydney, Úc Châu đã có dịp phỏng vấn cô Đặng Như Hiền, Hiệu trưởng HD Tutoring Centre, Lansvale, Sydney về cảm tưởng, sinh hoạt cũng như sự hội nhập vào xã hội Úc của những người trẻ lớn lên ở Úc trong cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại đây.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào buổi tối ngày 7 tháng 12 năm 2017 tại tư gia của Đặng Như Hiền ở Lansvale, Sydney, Tiểu bang New South Wale, Úc Châu.

Tuesday, December 12, 2017

PHỎNG VẤN NGUYỄN TUẤN LINH VỀ SINH HOẠT CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI ÚC GỐC VIỆT TẠI SYDNEY, ÚC CHÂU



Little Saigon (VanHoaNBLV) – Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt nhân cơ hội viếng thăm Sydney, Úc Châu đã có dịp phỏng vấn anh Nguyễn Tuấn Linh, cư dân Thành phố Fairfield, Sydney về những kỷ niệm buồn vui trong những tháng ngày đầu tiên định cư tại Úc cùng những sinh hoạt cá nhân và cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc Châu cho đến thời điểm hiện tại.

Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào buổi sáng ngày 4 tháng 12 năm 2017 tại tư gia của anh Nguyễn Tuấn Linh ở Wakeley, Thành phố Fairfield, Sydney, Úc Châu.

Sunday, December 3, 2017

VIẾNG THĂM SYDNEY, ÚC CHÂU – TUYẾN ĐƯỜNG TỪ BLACKTOWN ĐẾN BẾN PHÀ PARRAMATTA /P1



Sydney (VanHoaNBLV) – Nhân dịp Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt viếng thăm Sydney, chúng tôi có dịp ghi lại một số hình ảnh và sinh hoạt tại đây trong chuyến viếng thăm Opera House, khởi đầu là chuyến đi từ Blacktown đến Bến phà Parramatta.

Phóng sự này được thực hiện vào sáng ngày 29 tháng 11 năm 2017 tại Thành phố Sydney, Tiểu bang New South Wales, Úc Châu.