Saturday, June 13, 2015

NGUYỄN NGỌC BÍCH - MỘT TƯỢNG-ĐÀI CHO NẠN-NHÂN CSVN ĐẾN MỘT NGÀY CẦU NGUYỆN HẰNG NĂM


MỘT TƯỢNG-ĐÀI CHO NẠN-NHÂN CSVN 
ĐẾN MỘT NGÀY CẦU NGUYỆN HẰNG NĂM

Nguyễn Ngọc Bích

            Tối ngày 6 tháng 6 năm 2015 qua tin của Chương Trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt , tôi dược biết một số đồng bào ở Nam California đang vận động Hội Đồng Liên Tôn để có một ngày cầu nguyện hằng năm cho các nạn nhân của Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam mà theo ước tính của quốc tế có trên 5 triệu người.
            Thật là một sự trùng hợp đặc biệt vì ở Washington, DC thứ Sáu này, 12/6, tại Tượng-đài Nạn-nhân Cộng-sản ("Victims of Communism Memorial") lại có lễ kỷ-niệm trên 100 triệu nạn-nhân CS trên toàn-thế-giới.  Đây là lần thứ 9 tượng-đài này được dùng như là chỗ quy tụ đại diện của rất nhiều quốc gia có mặt ở Hoa-kỳ mà đã từng kinh qua cái thảm-họa kinh khiếp là phong trào Cộng-sản ở trên thế-giới bắt nguồn từ Cách mạng tháng Mười ở Nga. 
            (Để có một khái-niệm về sự tàn-hại của CS, ta có thể lấy số người, cả lính lẫn dân-sự, chết trong Thế-chiến II -- 72 triệu người -- và so với con số nạn-nhân của CS, ta sẽ thấy là các đảng CS cộng lại đã tàn-hại gấp rưỡi lần một cuộc chiến-tranh nóng trên toàn-cầu, trong đó có cả hai trái bom nguyên-tử.)
            Cũng như mọi năm, cộng-đồng Việt-nam sẽ có một số đại diện đến để tưởng-niệm các nạn-nhân của CSVN cùng chung với những đại diện Đông-Âu, Đông-Á (như Trung-quốc, Đại-Hàn, Tây-tạng, Duy-ngô-nhĩ--tức người Uighur ở Tân-cương, v.v.), Phi-châu, Nam-Mỹ.  Đại diện cho Cộng-đồng VN vùng DC-MD-VA chắc hẳn sẽ là ông Đoàn Hữu Định, chủ-tịch Cộng-đồng, nhưng đáng chú ý nhất sẽ là phái-đoàn của các đồng-bào Huế năm nào cũng có vòng hoa đặt dưới chân tượng-đài làm theo mẫu của Nữ-thần Tự Do ở Thiên-an-môn (Bắc-kinh, Trung-hoa) vào năm 1986.
            Khi được tin tôi và Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh thế nào cũng có mặt hôm thứ Sáu tới đây, Chương Trình Văn-hóa Nhân-bản Lạc Việt ở Cali, đã hỏi: "Anh nghĩ mình có thể làm một tượng-đài dành cho các nạn-nhân CSVN được không nhỉ?"
            Tôi hỏi lại: "Tại sao không?" 

"Captive Nations Week" (1949)

            Sở dĩ vậy là vì, như tôi đã kể lại với Chương trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt, dưới thời Tổng-thống Eisenhower ở Mỹ, vào năm 1949, các người Mỹ gốc Đông-Âu (mà một số nước đã rơi vào trong quỹ-đạo của Cộng-sản Liên-Xô như Ba-lan, Tiệp-khắc, Hung-gia-lợi, Ru-ma-ni, Albany, ba nước Baltic v.v.) đã tìm cách vận-động cho việc thành-lập Đài Âu-châu Tự Do (Radio Free Europe) và việc công-nhận một ngày gọi là "Captive Nations Week" ("Tuần lễ của các Quốc-gia bị cầm tù").  Việc vận-động cho "Captive Nations Week" lúc đầu đã gặp sự chống đối mãnh-liệt của ông George Kennan, lúc bấy giờ là đại-sứ của Mỹ ở Mạc-tư-khoa; ông cho rằng làm thế sẽ cản trở công việc làm của ông bên cạnh Điện Cẩm-linh (Kremli), đẩy Stalin vào thế thù nghịch và làm khó khăn những thương-thuyết đôi khi phải rất tế-nhị với đối-phương.
            Nhưng rồi Quốc-hội Mỹ vẫn nghĩ là nước Mỹ cần đề cao lý-tưởng tự do của nước này và chấp nhận qua một nghị-quyết để cho các công-dân Mỹ gốc Đông-Âu có tuần lễ "Captive Nations Week" của họ.  Về sau, vì có nhiều quốc gia khác nữa trên thế-giới rơi vào tay CS nên "Captive Nations Week" được đánh dấu, không phải chỉ bởi những người Mỹ gốc Đông-Âu mà còn cả những người tỵ nạn đến từ các quốc gia CS khác nữa.  Chính cá-nhân tôi đã dự một số những buổi lễ của "Captive Nations Week" và cũng đã có lần nói chuyện tại đó.
            Riêng về Việt Nam, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa trong thập niên 50 cũng đã có Hội Nạn Nhân Cộng Sản do ông Ngô Trong Hiếu đảm trách với nhiều sinh hoạt đáng kể.

Liên-đoàn Tự do ("Freedom Federation," 1980)

            Miền Nam mất vào tay CS tháng Tư năm 1975.  Sang Mỹ, tôi tham-gia ngay vào trong những cuộc vận-động cho tự do, độc-lập (của các nước họ) của "Captive Nations."  Đến cuối năm 1980, Phong trào Đoàn Kết Ba-lan ("Solidarnośc") bị đàn áp, Tổng-liên-đoàn Lao-công Mỹ AFL-CIO muốn tỏ tình đoàn-kết liên-đới với Solidarnośc nên kêu gọi người đi biểu-tình ủng-hộ Công-đoàn Đoàn Kết Ba-lan.  Hưởng-ứng thì phần lớn là người Đông-Âu; vào phút chót AFL-CIO mới nhìn ra là nếu chỉ có Đông-Âu ủng-hộ cho Ba-lan thì không đủ ý-nghĩa.  Vào phút chót, anh Chris Gersten của AFL-CIO mới nghĩ ra là nên mời các nạn-nhân CS thuộc các quốc gia khác nữa.  Anh hỏi quanh và có người giới-thiệu anh với tôi.  Khi anh liên-lạc được với tôi, tôi liền hỏi lại: "Anh muốn chúng tôi tham-gia hả?  Chúng tôi có bao nhiêu thời giờ để chuẩn-bị?"  Anh bảo: "48 tiếng!"  Tôi la ầm lên và quát lại: "Anh điên à?  48 tiếng là hai ngày.  Anh nghĩ liệu chúng tôi có thể vận-động được bao nhiêu người trong hai ngày?"  Chris xin lỗi: "Tôi biết là hấp tấp quá nhưng thôi, anh cứ cố gắng giùm, được bao nhiêu hay bấy nhiêu."
            Tôi liền quay ra gọi những người bạn thân với tôi trong cộng-đồng VN ngày đó như Ngô Vương Toại, Phạm Dương Hiển v.v.  Tôi cũng kêu cả những bạn Miên Lào của chúng ta ở trong vùng và khuyến khích họ mang thật nhiều cờ của quốc gia mình.  Đến hôm biểu tình, người mình không đông (đã đành rồi) nhưng vì có mang theo nhiều cờ nên trông rất khí-thế.  Các nhà báo, nhà quay phim thấy cờ lạ cũng chụp và cho đi trên truyền hình, trên mặt báo.  Thế là người ta xôn xao hỏi nhau: "Nước nào vậy?  Nhóm nào vậy?"  Đến khi phim của USIS đưa ra về vụ biểu tình cũng xoáy một phần vào các cờ Việt-Miên-Lào, nhất là những lá cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phấp phới.
            Thấy sự thành công của lần động-viên đó, Chris Gersten liền quay ra mời một buổi họp để thành-lập "Freedom Federation" ("Liên-đoàn Tự do").  Khác với nhóm "Captive Nations" trong đó sự hiện diện áp-đảo là của các nước Đông-Âu, ngay từ đầu Freedom Federation đã có sự hiện diện của một số nước Á-đông, chủ-yếu là Việt-Miên-Lào.  Trong buổi họp thành-lập Liên-đoàn, anh Phạm Dương Hiển đã có mặt cùng với tôi.
            Phải nói, buổi đầu tôi cũng khá thất vọng.  Nhìn quanh chỉ thấy có chúng tôi, nhóm Việt-Miên-Lào, là còn trẻ.  Hầu hết những thành-viên kia đều đã ở tuổi 70-80, đầu tóc trắng xóa.  Tôi, lúc bấy giờ mới hơn 30 một chút, tự nghĩ: "Nếu phải đợi tới tuổi của mấy ông già này thì coi bộ cuộc chiến đấu còn dài lắm."  Mà lúc bấy giờ cũng chưa ai nghĩ tới sẽ có ngày CS Đông-Âu, rồi Liên-Xô, sẽ sụp đổ.

Thành-lập Đài Á-châu Tự do (RFA, Radio Free Asia)

            Sau hơn hai năm tham-gia Liên-đoàn Tự do, một hôm tôi than với Chris Gersten: "Này Chris, tao chỉ thấy Liên-đoàn bàn chuyện Đông-Âu với Liên-Xô, chẳng có cuộc bàn bạc nào nói đến chuyện của chúng tao cả."  Chris hỏi lại: "Thế các anh muốn gì?"  Tôi bảo: "Thì tỷ dụ, chúng tao muốn có đài phát thanh về VN, như đài Âu-châu Tự do vậy."  Chris nói: "Thế anh viết cho Liên-đoàn một bản dự-án về chuyện đó được không?"
            Thế là tháng 11-1983, vào cuối tuần Lễ Tạ Ơn, tôi ngồi viết xuống giấy một tài-liệu sơ khởi về "Đài Á-châu Tự do" ("Radio Free Asia").  Tôi chỉ biết đủ để nói về nhu-cầu có một đài như vậy nhưng tôi không có khái-niệm gì về kỹ-thuật hay tài-chánh cần thiết cho một dự-án như Đài ACTD.  Rất may, trong Liên-đoàn Tự do có Istvan Gereban (một chuyên-viên người Hung-gia-lợi) và Linas Kojelis (một chuyên-viên người Lithuania), hai người làm việc lâu năm ở Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA, Voice of America), họ biết rất rõ những chi-tiết kỹ-thuật và tài-chánh cho một dự-án như tôi đề-nghị.  Sau khi nghiên cứu tài-liệu của tôi, họ cung-cấp cho tất cả những chi-tiết tài-chánh và kỹ-thuật tôi cần để có được một cái dự-án đứng đắn và khả thi.
            Câu chuyện trong chi-tiết thì rất dài nhưng chỉ cần nhắc là đến tháng 4 năm 1991, cuộc vận-động cho Đài ACTD đã đạt tới mức Nghị-hội cùng với tổ-chức Mỹ Council for the Defense of Freedom (của ông Jim Tysons) đã tổ-chức được một hội-nghị trên Quốc-hội Hoa-kỳ trong đó chúng tôi đã mời được bà Dân-biểu Helen D. Bentley (CH-Maryland) và ông Dân-biểu John Porter (CH-Illinois), hai người ủng-hộ việc thành-lập Đài ACTD.  Thế là có khoảng 1/10 Dân-biểu QH ủng-hộ chuyện đó.
            Từ đó, phía Việt-nam có thêm Tổng-liên-hội Người Việt Tự do (gồm mấy tổ-chức lớn của người Việt tự do ở Úc, Canada, Âu-châu và Mỹ) ra quyết-nghị ủng-hộ, rồi đến lượt Tổ-chức Phục Hưng và Ủy-ban Đông-dương vận-động cho Đài ACTD (do G.S. Nguyễn Thanh Trang lập ra và cầm đầu) vừa gây quỹ, vừa tổ-chức mấy chuyến lên vận-động trên Quốc-hội ở Washington.
            Thấy sự ủng-hộ mạnh của cộng-đồng người Việt khắp nơi, một mặt Quốc-hội lập ra ủy-hội nghiên cứu (Congressional Commission) và mặt khác, Tổng-thống Reagan cũng lập ra ủy-hội của TT (Presidential Commission) nghiên cứu vấn-đề.  Riêng tôi đã điều trần ở cả hai ủy-hội để khẳng-định sự ủng-hộ rất rộng rãi của người Việt khắp năm châu.
            Và thế là đến đời Tổng-thống Bill Clinton, năm 1995 ông cho viết vào ngân-sách cho năm sau đúng một dòng (tiếng Anh gọi là "line item"): "$10 triệu để thành-lập Đài ACTD."  Năm sau đài được thành-lập, tháng 9-1996 Đài bắt đầu phát thanh tiếng Quan-thoại vào Trung-hoa lục-địa và đến tháng 2-1997, Đài bắt đầu phát thanh vào VN.  "And the rest is history," như người ta nói trong tiếng Mỹ.

Tượng-đài kỷ-niệm Nạn-nhân CS (2007)

            Phải nói là ý-tưởng xây một tượng-đài kỷ-niệm Nạn-nhân Cộng-sản không có gì là mới mẻ cả.  Các "Captive Nations" ở Đông-Âu đã chủ-trương việc này từ rất lâu, cũng đã xin được sự đồng-ý của Quốc-hội Mỹ nhưng rồi chẳng đi tới đâu vì không ai chịu bỏ tiền ra lập tượng-đài.
            Phải đợi đến sau khi Đông-Âu và Liên-Xô sụp đổ (1989-1991), câu chuyện tượng-đài này mới được phục-hoạt.  Theo một nguồn tin từ Hạ-viện Mỹ, việc chấp thuận cho tượng-đài đã xảy ra như sau: "Năm 1993, xác-nhận về 'cái chết của trên 100 triệu nạn-nhân trong một cuộc tàn-sát không tiền khoáng hậu của đế-quốc Cộng-sản,' Quốc-hội [Mỹ] đã cho phép xây dựng Kỷ-niệm-đài Nạn-nhân CS ở thủ-đô nước chúng ta, 'để cho không bao giờ nữa các quốc gia và dân-tộc trên thế-giới còn cho phép một bạo-quyền tệ-hại như vậy khủng-bố thế-gian." (In 1993, recognizing "the deaths of over 100,000,000 victims in an unprecedented imperial communist holocaust,'' Congress authorized the construction of the Victims of Communism Memorial in our Nation's capital, "so that never again will nations and peoples allow so evil a tyranny to terrorize the world.'')  (Phát biểu của Dân-biểu Mark Souder, CH-Indiana, trước khoáng-đại Hạ-viện ngày 28/9/2004).


           "Vào tháng 7 [năm 2003], tôi và 26 đại-biểu Quốc-hội khác đã viết cho ông chủ-tịch Ùy-hội Kỷ-niệm-đài ở Thủ-đô Quốc-gia (National Capital Memorial Commission), khuyến khích Ủy-hội hãy đồng-ý về việc chọn địa-điểm cho kỷ-niệm-đài [tức ở địa-điểm đầu đường New Jersey và Massachusetts, NW, Washington DC, như ta có ngày hôm nay].  Khi ít lâu sau, Ủy-hội họp để nghiên cứu đề nghị này, các công-dân đại diện cho nhóm người Mỹ gốc Baltic, người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Ba-lan đã lên tiếng ủng-hộ mạnh mẽ việc xây dựng kỷ-niệm-đài.  Họ nhấn mạnh tầm quan-trọng của kỷ-niệm-đài không chỉ đối với cộng-đồng của họ để tưởng nhớ những người đã khổ đau dưới sự đàn áp của CS và còn đối với toàn-bộ nhân-dân Hoa-kỳ, nước đã chia xẻ cuộc chiến-đấu chống Cộng với họ."
            Như vậy, tiếng nói của chúng ta rõ ràng là đã có trọng-lượng.  Không những thế, đem hành-động gắn liền với lời nói, cộng-đồng VN vùng Hoa-thịnh-đốn với sự đốc thúc của cụ Giáp Ngọc Phúc, chủ-tịch Cộng-đồng hồi bấy giờ, và các anh chị em trẻ làm việc với chị Lữ Anh Thư của nhóm Hậu-duệ Đà-lạt, cộng-đồng chúng ta đã gây quỹ được 35 nghìn đô-la để cúng một món lớn đầu tiên vào quỹ xây dựng tượng-đài.  Chính sau sự cúng dường này của cộng-đồng VN mà các nhóm dân-tộc khác mới giật mình và hối hận, họ mới bắt đầu lo tổ-chức liên-tiếp những buổi gây quỹ khác (như ở các tòa đại-sứ Ba-lan, Tiệp-khắc, Hung-gia-lợi v.v.) và các sứ-quán khác như Đại-Hàn, Đài-loan mới bắt đầu cúng những món tiền đáng kể để có thể khởi công xây cất tượng-đài.  Rồi chính cộng-đồng VN lại có một buổi đại-hội nhạc gây quỹ khác ở Nam Cali để góp vào quỹ xây dựng tượng-đài.  Kết-quả là mấy năm sau, vào ngày 12/6/2007, Tổng-thổng Bush cha đã có thể đến khai trương Tượng-đài Nạn-nhân Cộng-sản ở Washington, đặt một mốc mới cho cuộc đấu tranh chống Cộng của toàn-thế-giới, trong đó có người tỵ nạn VN chống Cộng là chúng ta!

Nguyễn Ngọc Bích
June 10, 2015






Thursday, June 11, 2015

TRẦN NGUYÊN THAO - NHÂN QUYỀN & NGHIỆP ĐOÀN GẮN LIỀN VỚI TPP


NHÂN QUYỀN & NGHIỆP ĐOÀN
GẮN LIỀN VỚI TPP

Trần Nguyên Thao

Áp lực đòi tự do nghiệp đoàn và nhân quyền cho Việt Nam đã sôi động trở lại ngay trước chuyến đến Hoa kỳ “ăn xin” của Tổng Bí Thư cộng đảng Nguyễn phú Trọng. Hai đòi hỏi này lần đầu tiên đươc gắn liền với các cuộc đàm phán về Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)(*). Trải qua 20 vòng đàm phán kéo dài 5 năm, TPP mong được kết thúc nội trong năm 2015, nhưng có vẻ như thêm một lần nữa, sau hai lần Hanoi từng mừng hụt, tưởng như đã “với được cái phao TPP” cứu nền kinh tế “tầm gởi” - định hướng xã hội chủ nghĩa đã vào ngõ cụt, và đang nằm ngang dưới đáy vực. Mới 5 tháng đầu năm, Hanoi đã phải phá giá đồng bạc đến hai lần, và còn phải hạ giá thêm nữa để cứu xuất cảng. Hệ thống ngân hàng mục rữa với các nhóm lợi quyền chồng chéo thanh toán lẫn nhau, sản sinh một nền tài chánh nợ lần không minh bạch và tiền tệ bênh hoạn... Trong tình cảnh này, cộng đảng toan tính điều gì qua chuyến đến Mỹ của ông Trọng, diễn ra cuối tháng 5, được phía Mỹ loan báo sẽ tiếp người cầm đầu cộng đảng bằng nghi thức cao nhất.

Vài năm trước, để làm nguôi cơn giận trong dân chúng, Hanoi từng ra lệnh cho các cơ quan truyền thông tô vẽ về một “thiên thai” khi Việt Nam gia nhập TPP. Hai cái Têt qua đi. Hai mùa Xuân tuyệt vọng; cánh cửa TPP vẫn đóng. Giới chức cao nhất của Hanoi đã trực tiếp “xin xỏ” Hoa Thịnh Đốn “linh động hơn” để Việt Nam sớm được gia nhập TPP.

Đầu tháng 5, Hanoi nhận được “phúc đáp” từ phía Mỹ qua các biến cố chính trị của nghiệp đoàn công nhân và Quốc Hội Hoa Kỳ đòi tự do cho nghiệp đoàn công nhân và nhân quyền cho Dân Tộc Việt. Trước đây chính giới Mỹ vẫn đòi Việt Nam phải cải thiện nhân quyền. Nhưng đây là lần đầu tiên nhân quyền và quyền thành lập nghiệp đoàn công nhân tự do được gắn chặt mỗi khi đàm phán với Việt Nam về TPP.

Thượng viện Mỹ ngày 12.5 đã không đat đủ 60 phiếu cần thiết để đem ra thảo luận dự luật trao cho Hành Pháp quyền đàm phán nhanh hay quyền xúc tiến thương mại Trade Promotion Authority (TPA). TPA là dự luật cho Tổng Thống Hoa Kỳ rộng quyền đàm phán các thương ước quốc tế, sau đó Quốc Hội chỉ bỏ phiếu thuận hay chống chứ không được sửa đổi. Do đó, TPA còn được gọi là Fast Track.

Trong số 42 phiếu chống thì có 41 Nghị Sỹ cùng đảng Dân Chủ với Tổng Thống Obama. Về phía Ha Viện, cho đến nay có khoảng 150 dân biểu chống TPA.

Đến xế trưa ngày 14 tháng 5, dự luật TPA lại đủ số phiều cần thiết để đưa ra thảo luận tại Thượng Viện. Hôm sau 15 tháng 5 dự luật đã được 63 Thượng Nhị Sỹ bỏ phiếu thuận, 33 phiếu chống.

Đúng vào lúc hoàn tất bài này (May 18), thì Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu cài điều kiện tự do tôn giáo vào dự luật TPA, với số phiếu 92-0. Thương Nghị Sỹ James Lankford, tác giả của tu chính án liên quan, nhận định: "Nếu được ban hành thành luật, đây sẽ là lần đầu trong lịch sử mà những cân nhắc về tự do tôn giáo sẽ là điều kiện tiên quyết trong đàm phán mậu dịch với mọi quốc gia."

Giới quan sát tiên đoán rằng, khi sang Ha Viện, dự luật TPA sẽ bị chống đối mạnh mẽ, vì nhiều Dân Biểu không muốn dành cho Tổng Thống quyền rộng rãi khi đàm phán. Xem ra chính phủ Obama còn khá vất vả để vượt qua giai đoạn này.

Trước đó, hôm mùng 8 tháng 5 tại Oregon, khi nói chuyện với công nhân đang bày tỏ chống đối dự luật TPA, Tổng Thống Barack Obama nêu đích danh Việt Nam để chứng minh rằng TPP sẽ cải thiện quyền của người lao động, ông nói : "Dưới thoả thuận này, Việt Nam thực ra lần đầu tiên sẽ phải nâng các tiêu chuẩn lao động, phải ấn định mức lương tối thiểu, phải thông qua luật an toàn nơi làm việc để bảo vệ công nhân, và còn phải bảo vệ quyền tự do của người lao động về thành lập nghiệp đoàn, điều xảy ra lần đầu tiên... Và nếu Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong thương ước này không hội đủ các đòi hỏi ấy, họ sẽ phải đối mặt các hậu quả đáng kể. Nếu bạn muốn tham gia thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thương ước, bằng không thì ở ngoài; nếu bạn vi phạm các quy tắc thì sẽ chịu hậu quả."

Nhiều tổ chức Xã Hội Dân Sự đang vận động hành lang Quốc Hội Mỹ để hy vọng đưa vào nội dung TPP thêm một số điểm: lập cơ chế chấp hành, theo dõi và chế tài trong lĩnh vực quyền lao động. Tuy Hoa Kỳ đã đặt quyền lao động thành một điều kiện bất khả nhượng khi thương thảo với Việt Nam, văn bản TPP vẫn không có cơ chế nào để theo dõi việc thực hiện các cam kết, báo cáo vi phạm, và trừng phạt khi vi phạm. Mục tiêu của các cuộc vận động không phải nhằm loại trừ Việt Nam ra khỏi TPP mà là đặt điều kiện để khi Việt Nam vào TPP thì Dân Tộc Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn, thay vì mọi đặc quyền đều nằm trong tay cộng đảng.

Hoa Kỳ đang đàm phán TPP với 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (gồm, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam), nhưng chỉ có Việt Nam bị cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp Mỹ đều nêu đích danh khi nói về nhân quyền và tự do nghiệp đoàn.

Ngoài Tổng Thống Obama, Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren, Dân Chủ, Massachusetts, người dẫn đầu phe chống TPP ở Thượng Viện Hoa Kỳ cũng đưa Việt Nam ra làm dẫn chứng để phản bác lại Tổng Thống Obama (Yahoo News, ngày 11 tháng 6, 2015).

Dân Biểu Sanders Levin, Dân Chủ, Michigan, người dẫn đầu phe chống TPP ở Hạ Viện, cũng nêu dích danh Việt Nam trong bản hướng dẫn về những khiếm khuyết của TPP: "Việt Nam trưng dẫn cho chúng ta thách thức lớn nhất từ trước đến giờ về việc đáp ứng thoả đáng các điều kiện về quyền lao động".

Trong cuộc chiến xâm lăng Nam Việt Nam trước năm 1975, Hanoi trong vai trò giết dân Việt Nam thay cho Nga, Tầu (**), đã khoe khoang “thắng Mỹ” ngay tại Hoa Thịnh Đốn. Nay trong thời thế chiến kinh tế, lịch sử đang tái diễn trái chiều : “bên thắng cuộc” xem ra rất cay đắng, ăn ngủ không yên, gấu ó nhau ngay ở Hanoi và tứ bề thọ địch chẳng những trên toàn nước Mỹ, Canada, mà còn hầu hết các nước Dân Chủ Tự Do. Hậu quả đương nhiên này chỉ dành cho những thể chế tà quyền, tàn ngược và tham nhũng.

Nhịp nhàng với các biến cố ở Hoa Kỳ, tại Việt Nam, ngày 06 tháng 05, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã mời 14 đại diện các nhóm hoạt động về nhân quyền, tôn giáo, xã hội dân sự, truyền thông tại VN đã gặp ông Tom Malinowski và 9 viên chức cao cấp trong phái đoàn đối thoại Nhân Quyền Hoa Kỳ một ngày trước khi phái đoàn này gặp phía tương tác của Hanoi. Thời điểm tiếp xúc và nhân sự của phái đoàn cho thấy Hoa Kỳ quan tâm và coi trọng ý kiến của các tổ chức Xã Hội Dân Sự Việt Nam trong tiến trình đàm phán TPP với phía Hanoi. Đồng thời Hoa Kỳ muốn nhìn nhận đây là những tiếng nói, quan điểm tiêu biểu về nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp xúc trên, ông Tom Malinowski, Trưởng Đoàn Hoa Kỳ yêu cầu các đại diện người Việt Nam, thử đặt mình trong vai trò của một Thượng Nghị Sĩ Mỹ để bỏ phiếu cho việc Việt Nam gia nhập TPP. Kết quả có 8 phiếu chống, 5 người bỏ phiếu thuận, và 1 phiếu trắng. Có thể phái đoàn Hoa Kỳ sẽ dùng một phần hay toàn kết quả này như yếu tố để đàm phán về TPP với Hanoi.

Về phía Hanoi thì luôn gia tăng trấn áp, thả một bắt hai. Bất cứ ai có ý kiến chống lại cường quyền bạo lực, phanh phui tham nhũng hay động đến quan thầy Tầu cộng đều có thể mang án tù như chơi!

Riêng với quyền tự do tôn giáo, Hanoi luôn dùng thủ thuật viết ra những luật lệ để ngày càng đàn áp cướp bóc tài sản các Giáo Hội tinh vi hơn trước. Quý độc giả có thể tìm thấy bằng chứng đầy trong số báo này do chính các tôn giáo tại Việt Nam lên tiếng mong giành giựt với chế độ bạo tàn để được thực hành đời sống Đức Tin.

Hanoi biết rõ chính họ đang đưa Dân Tộc Việt vào cuộc khủng hoảng ngay trước mắt : tham nhũng tràn lan, công khai ở mức độ trở thành cách sống của toàn cộng đảng, hệ thống ngân hàng đổ vỡ, quỵt nợ khách hàng, ngân sách thâm hụt, doanh nghiệp phá sản hàng loạt hoặc hết sức sản xuất, mất khả năng cạnh tranh, hết tài nguyên để bán, hết uy tín để đi vay, người lao động ngày càng cùng cực trong khi phải gánh thêm nợ do cộng đảng vay đến 1,000 Đôla tính trên mỗi đầu người, và nợ quốc gia, theo ước lượng của giới chuyên ngành, có thể đến trên 164% GDP trong đó nợ xấu đến trên 20% thế hệ sau phải trả mà thế hệ này thì sống rất lam lũ, lầm than...

Cái phao cứu sinh duy nhất cho nền kinh tế mà cộng đảng hy vọng nhiều năm nay là TPP thì ngày càng xa vời. Đây là thời điểm tiếng nói của các nhà đấu tranh dân chủ trong nước cất cao, cùng phối hợp nhịp nhàng với các cuộc vận động của người Việt hải ngoại để tranh đấu kéo Việt Nam ra khỏi quỹ đạo thống trị của Bắc Kinh do cộng đảng chủ trương.

Trần Nguyên Thao
May 18, 2015

(*) Trans-Pacific Partnership (TPP). Việt Nam là thành viên chính thức gia nhâp TPP  từ cuối năm 2010
(**) “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”. Câu nói này của Lê Duẫn, Tổng Bí Thư cộng đảng, được Hanoi coi là tư tưởng cao siên bắt toàn dân học tập. Và được khắc ngay cổng vào đền thờ Lê Duẫn tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.