Wednesday, September 30, 2015

NGUYỄN NGỌC BÍCH – MỘT NGÔI SAO TRÊN VÒM TRỜI VĂN HỌC, NHÀ VĂN VÕ PHIẾN (1925-2015)


MỘT NGÔI SAO TRÊN VÒM TRỜI VĂN HỌC,
NHÀ VĂN VÕ PHIẾN (1925-2015)

Nguyễn Ngọc Bích

Một nhà văn lớn, một ngôi sao sáng trong vườn văn-học Việt-nam vừa mới ra đi.  Hôm qua, trong lúc tôi đang lái xe trên đường từ Maryland về thì anh Bùi Bảo Trúc kêu tôi từ Quận Cam nói: “Anh Bích ơi, anh Võ Phiến chắc sắp ra đi rồi.  Chị Võ Phiến đã mời Thầy Viên Lý đến tụng kinh cho anh và gia-đình đoán là bất cứ giờ nào anh ấy có thể sẽ quy tiên.”  Quả như rằng, đến 7 giờ tối thứ Hai, 28 tháng 9, 2015, nhà văn Võ Phiến, một cây bút hàng đầu của Việt-nam tự do và của cộng-đồng hải-ngoại, đã trút hơi thở cuối cùng.

Không bất ngờ

Sự ra đi của ông không phải là một chuyện bất ngờ.  Từ nhiều năm nay, ông đã phải ngừng viết vì chứng bệnh Alzheimer của tuổi già, lúc nhớ lúc quên.  Nhà văn Trùng Dương, cách đây hơn 5 năm, đã đến thăm ông bà Võ Phiến, kể:

“Buổi viếng thăm anh chị lần này đã để lại trong tôi một xúc động mãnh liệt…  Đến nơi lúc 11 giờ đã thấy chị đứng sẵn ở cổng bên mấy bụi hoa hồng chờ khi tôi lái xe vào khoảng sân trước nhà để xe (nay đã biến thành kho chứa sách vì đã nhiều năm anh chị không lái xe).  Bước vào nhà đã thấy anh áo quần tề chỉnh, cả đội mũ nữa, chắc cho ấm đầu, với mái tóc trắng còn lưa thưa, đang chờ khách.  Tôi cảm động lắm, vì rõ ràng là anh chi đang ngóng chờ khách phương xa.”

Kinh-nghiệm này hoàn-toàn ăn khớp với hình ảnh vợ chồng tôi có mỗi khi có dịp sang Quận Cam và đến thăm anh chị Võ Phiến.  Vẫn một sự hiếu khách và ân cần săn đón niềm nở dành cho một người chỉ đáng tuổi em mình, vẫn một sự tò mò hỏi han về công việc văn-học của khách (khác hẳn nhiều người gặp khách chỉ kể về mình).  Tôi còn giữ được không ít những lá thư anh viết cho tôi, khuyến khích tôi trên mỗi chặng đường nghiên cứu của tôi.  Như năm 1983, vợ chồng tôi có viết chung một tiểu-phẩm mang tên Những địa-tầng ngôn ngữ trong lịch-sử tiếng Việt được cụ Nguyễn Khắc Kham khen, trong khi anh Võ Phiến thì vui hẳn:

“Bản Tin Văn Hóa của Cung Tiến ở Minnesota liên tiếp mấy kỳ đăng loạt bài về ngữ học của Anh, đọc thích ơi là thích.  Không dám khen các tác giả về kiến thức rộng…, tôi lấy làm thích thú đặc biệt là những suy tìm, nghĩ ngợi, nhận xét rất thâm thúy và tinh tế…  Tôi ngờ những bài này ở trong một cuốn sách, cắt đăng từng kỳ báo chậm quá, người đọc phải chờ đợi lâu quá.  Anh có dự tính nào về việc in cuốn này chăng?  Nếu có xin Anh báo tin cho tôi biết với.  Tôi chắc ở vùng Nam Cali này có nhiều người muốn mua đấy.”

Rồi anh kết-luận thật dí dỏm:

“Lâu quá tôi ít thư từ cho ai, không có thư thăm Anh, nhưng mới nhận được Bản Tin Văn Hóa mới hôm qua, khoái quá, không thể không ba hoa với Anh vài lời.” (Thư từ Los đề ngày 20 tháng 9 năm 1983)

Lần khác, anh nhận-định chung về tình-hình nghiên cứu ở hải-ngoại: “Tình hình biên khảo về văn học VN do người Việt hải ngoại lâu nay khá bi quan.  Từ sau cụ Hoàng Xuân Hãn, thường thường không mấy ai phát giác ra cái gì mới mà chỉ tổng kết những thành quả khảo cứu của các học giả trong nước.  Vì vậy khi được đọc những bài của Anh với những phát giác mới, những bài khảo cứu có tinh thần sáng tạo, tôi thật khoái và thêm tin tưởng ở hoạt động văn hóa của bà con hải ngoại chúng ta.” (Thư đề ngày 7 tháng 12, 1983)

Sang đầu năm 1984, anh lại viết cho tôi về hai chữ Nôm nhức óc mà cho đến gần đây chưa mấy ai đọc được cho chính-xác:

“Vụ ‘song viết’ tôi cũng nghĩ là anh thắng, các nhà nghiên cứu ngoài Bắc thua…  Nhân dịp Đào Duy Anh bị ‘chôn’ sống [ở ngoài Bắc], tôi có ý kiến là anh nên tìm cách phổ biến bài nghiên cứu của anh càng rộng càng hay.  Đề phòng một ngày kia, Hà nội dùng ngay những phát giác của anh mà tỉnh bơ không nhắc tới tên anh.  Lúc bấy giờ mình lấy những tờ báo đã đăng bài của anh ra làm bằng chứng” (Thư đề ngày 25 tháng 1, 1984) mà tố-cáo sự gian lận của họ.

Sở dĩ tôi hơi dông dài nhắc về một vài kỷ-niệm của tôi (cái tôi đáng ghét) với anh Võ Phiến như trên đây là để thấy là như một người đàn anh trong văn-đàn, anh lúc nào cũng ưu ái theo dõi công việc của người khác mà anh coi như đồng-nghiệp chứ không phải đòi ăn trên ngồi trốc như một ông tiên-chỉ trong làng văn.  Đó là một đặc-điểm của cái mà nhà văn Mai Thảo gọi là “cộng-hòa chữ nghĩa” (“la République des lettres” nói theo kiểu Pháp) trong đó chỉ có anh em chứ không có ai chiếu trên, ai chiếu dưới—một điểm đặc-thù của văn-học miền Nam và của hải-ngoại.

Một tổng-tác-phẩm đồ sộ

Sinh năm 1925 ở Bình-định, ông có tên thật là Đoàn Thế Nhơn nhưng lấy tên vợ, Viễn Phố, đảo lại thành bút-hiệu Võ Phiến - một ý-tưởng vừa ngộ nghĩnh vừa đáng yêu.  Bắt đầu viết từ rất sớm (1943 trên Trung Bắc Tân Văn), tham-gia kháng-chiến xong bỏ về thành, cùng với một số bạn ra tạp-chí văn-học Mùa Lúa Mới ở miền Trung.  Thời-gian trước năm 1975 vì làm trong ngành kiểm duyệt của Bộ Thông tin nên có dịp theo dõi rất sát sinh-hoạt văn-học của miền Nam.  Nhờ những hiểu biết này mà về cuối đời, ông đã viết được ra một cuốn văn-học-sử rất giá trị mang tên Văn học Miền Nam: Tổng quan (Văn Nghệ, 1987, đã được Võ Đình dịch sang tiếng Anh và G.S. Nguyễn Xuân Thu xuất bản ở Úc) và dựa vào quyển này ông lại thu thập và tuyển chọn được một bộ hợp-tuyển “Văn học miền Nam” gồm 7 quyển, trong đó có ba quyển giới-thiệu Truyện dài và truyện ngắn, một quyển dành cho Ký, một quyển dành cho Kịch và Tùy bút, và một quyển dành cho Thơ (tất cả đều do nhà xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết in ra).

Bên cạnh đó nhà xuất bản Văn Nghệ cũng in ra Toàn Tập Võ Phiến gồm Tùy bút (I và II), Tạp Luận, Tiểu Luận, Truyện ngắn (I và II), Tiểu thuyết (I và II), Tạp Bút.  Tóm lại, một tổng-tác-phẩm rất đồ sộ.  Sau này, nhà xuất bản Người Việt cũng lại cho in một Tuyển tập Võ Phiến bìa dầy rất trang trọng.  Trong những tác-phẩm của ông mà được người ta nhắc đến nhiều có: các tiểu-thuyết Mưa Đêm Cuối Năm (Giải văn chương toàn-quốc 1960), Giã từ (Bách Khoa, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Đàn ông (Thời Mới, 1966), và các tập truyện ngắn Chữ tình (Bình Minh, 1956), Người tù (Qui Nhơn, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, 1958), Đêm xuân trăng sáng (Nguyễn Đình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Ảo Ảnh (1967), Phù Thế (1969), chưa kể ông còn có một số tác-phẩm dịch (Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà dịch Stefan Zweig, Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại dịch André Maurois, Truyện hay các nước I và II, dịch với Nguyễn Minh Hoàng, và Ông chồng muôn thuở dịch Dostoyevsky).  Đặc-biệt mê Võ Phiến thì có Võ Đình (có lần anh tả cho tôi cái óc quan-sát đặc-biệt tinh tế về một con ruồi của Võ Phiến trong truyện “Một ngày để tùy nghi”), Thụy Khuê cũng đã viết một thiên khảo cứu về Võ Phiến trên Hợp Lưu số 103 (tháng 12/2008) và Nguyễn Hưng Quốc đã có nguyên một cuốn sách dài viết về Võ Phiến (1996).  Một giáo-sư người Mỹ, ông John C. Schafer, cách đây gần 10 năm cũng đã có Võ Phiến and the Sadness of Exile (“Võ Phiến và nỗi buồn lưu vong”), một cuốn chuyên-đề do Northern Illinois University in ra (Monograph Series on Southeast Asia, 2006).

Tỵ nạn sang Mỹ, ông bắt đầu viết lại với Thư Gửi Bạn (1976), rồi Lại Thư Gửi Bạn (1978), Ly Hương (1977, viết chung với Lê Tất Điều) và truyện dài Nguyên Vẹn (1978, đã được James Banerian dịch sang tiếng Anh).  Tiểu-luận của ông viết ở Mỹ đã được Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Sanh Thông dịch sang tiếng Anh và truyện ngắn của ông (do Võ Đình, Phan Phan, và Huỳnh Sanh Thông dịch) cũng đã được đưa vào sách Landscape and Exile (Marguerite Bouvard, ed., Boston: Rowan Tree Press, 1985).  Sang thập niên 1990, ông còn có thêm các tác-phẩm Truyện thật ngắn (1991), Quê (1992), Viết (1993), Đối Thoại (1993), Sống và Viết (1996), Thơ Thẩn (1997), tất cả cũng do nhà xuất bản Văn Nghệ ở Cali in ra.

Không chỉ viết, ông là một trong những cây bút cột trụ của báo Bách Khoa trước năm 1975, ông còn lập ra nhà xuất bản Thời Mới để in sách của mình và của những tác-giả trẻ mà ông tin tưởng là có tương-lai nên muốn giới-thiệu với công-chúng.

Lăng-xê các cây bút trẻ

Một vài người ác-ý cho rằng Võ Phiến chỉ thích giúp và giới-thiệu các cây bút nữ ra với công-chúng.  Nhưng theo Hồ Trường An, viết trong sách Cảo thơm lần giở (Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ xb, 2015), nhà xuất bản Thời Mới của ông, ngoài sách của chính Võ Phiến, còn in sách của Võ Hồng, Lê Tất Điều, Thế Uyên, Y Uyên, Đỗ Tấn bên cạnh Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ…  Ngoài ra, tuy không in tác-phẩm của họ, ông Võ Phiến vẫn làm cho công-chúng chú ý đến Hoàng Ngọc Tuấn, Trùng Dương…

Sang Mỹ, Võ Phiến là một trong những người đầu tiên cầm bút trở lại mặc dù ông thừa biết là nhà văn mà mất đi độc-chúng thì cũng như cá bị ném lên trên cạn.  Mặc dầu vậy, ông vẫn viết và cho rằng chỉ cần còn bạn tri kỷ là còn “thư gửi bạn” được.  Ông tin tưởng đủ ở văn-học Việt-nam hải-ngoại để cùng Nguyễn Mộng Giác lập ra một trong những tạp-chí văn-học đầu tiên ở xứ người, tờ Văn Học Nghệ Thuật, sau này trở thành tờ Văn Học (do Nguyễn Mộng Giác chủ-trì một thời-gian dài).

Mô-tả cách viết của Võ Phiến, Trùng Dương nói khá chính-xác:

“Mặc thời đại vi tính với Internet, anh vẫn viết tay.  Tôi còn nhớ có lần nghe anh nói anh phải cảm ơn thấy da thịt của tay mình tiếp xúc với mặt giấy mới yên tâm sáng tác được, hay một ý tưởng tương tự.  Tôi hình dung mặt tờ giấy đối với anh có lẽ cũng giống như cái ‘security blanket’ đối với nhiều trẻ nhỏ.  Nhưng từ vài năm nay anh không viết nữa.  Một đời gắn liền với chữ nghĩa bỗng như hụt hẫng, thừa, chị nói với riêng tôi, nước mắt ứa ra.  Anh không biết tại sao mình sống lâu như vậy.  Tôi vỗ về cánh tay trái mới té gãy và còn băng bột của chị.  Chị rất sợ lỡ phải ‘đi’ trước anh, vì không biết ai sẽ chăm sóc anh được như chị chăm sóc anh.  Chị không muốn con cái phải bận tâm nhiều về cha mẹ già.  Hôm chị té gẫy tay, mãi sau khi đi bác sĩ băng bó xong, đến tối mấy người con mới hay…

“Tôi ra về, trong đầu lởn vởn ba câu thơ của anh làm năm 1986, mà chị đọc cho tôi nghe trước đó.  Tôi đã hỏi chị ‘sao chỉ có ba câu, thay vì bốn?’  Chị đáp, ‘ai mà biết, cô hỏi tác giả xem.’  Tôi đáp, nhìn sang cửa phòng đã khép, ‘thôi để anh nghỉ.’  Tôi xin phép về, cũng để chị nghỉ nữa.  Tôi nghĩ với riêng mình, có những điều tốt hơn không cần giải thích.  Vả, tôi nghĩ là tôi hiểu vì sao bài thơ chỉ có ba câu:

Ra đi, tuổi chẳng năm mươi.
Năm mươi tuổi nữa, nào nơi ta về?
Ngàn năm mây trắng lê thê…”

Nguyễn Ngọc Bích




DÂN VIỆT BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG CỘNG TẠI LOS ANGELES 25-09-2015

Tuesday, September 22, 2015

TÂM VIỆT - HÀ-NỘI TÍNH GÌ KHI “TẠM ĐÌNH CHỈ” CHẤP HÀNH BẢN ÁN CỦA TẠ PHONG TẦN


HÀ-NỘI TÍNH GÌ KHI “TẠM ĐÌNH CHỈ”
CHẤP HÀNH BẢN ÁN CỦA TẠ PHONG TẦN

Tâm Việt

Lại một tù-nhân lương-tâm nữa được thả ra để đi Mỹ.  Như hai trường-hợp Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày trước chị, Tạ Phong Tần đã nói rất chính-xác: “Phía Mỹ ép buộc họ trả tự do cho tôi và họ ra một cái quyết-định là ‘tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù’ chớ không phải trục-xuất.”

Nói thế, Tạ Phong Tần muốn khẳng-định là chị chưa được tự do thực-sự (vì vẫn còn một phần bản án tù chưa hoàn-tất) và do đó, chị cũng không thể bị trục-xuất được.  Chị bị ép đi ra khỏi nước (bởi “khoảng 50 công an áp giải” chị từ nhà tù Thanh-hóa đến phi-trường Nội-bài), để lên máy bay sang Mỹ, cũng có nghĩa là nếu chị tìm đường về thì họ sẽ có đủ lý-do để đưa chị trở lại trong tù - như trước đây đã có tiền-lệ của cha Nguyễn Văn Lý, được tạm thả ra để chữa bệnh, nhưng sau đó lại bị đưa lại vào tù vì CS cho rằng cha Lý đã không tuân thủ các điều-kiện khi được “tạm ở bên ngoài” nhà tù.

Đây là một lối áp-dụng công-lý rất đặc-sắc của Việt-Cộng, và họ gọi đó là một nhà nước “pháp-quyền.”

Xì hơi nồi áp-suất

Hà-nội làm thế để làm gì?

Hà-nội tính ra nước Mỹ, cũng như dân-tộc Mỹ, là một xã-hội “thực-dụng” (“pragmatic” trong tiếng Anh).  Và có lẽ họ không sai lắm về mặt này.  Đối với một người thường, ít suy nghĩ sâu xa thì rõ ràng là chị Tạ Phong Tần hôm nay đã được tự do, không những thế còn có mặt ở Mỹ nữa, và nay mai có thể lên điều trần ở Quốc-hội Hoa-kỳ.  Thế không phải là chị được “trả tự do” thì là gì?

Với hành-động đó, Hà-nội nhắm giết vài ba con chim với một hòn cuội:

Một đằng thỏa mãn đòi hỏi của Quốc-hội Hoa-kỳ, nhất là Hạ-viện, là “thả” tù-nhân lương-tâm ra - tuy là một cách rất bủn xỉn, hôm trước đã thả Luật-sư Lê Quốc Quân và hôm nay “thả” Tạ Phong Tần, toàn những tù-nhân lương-tâm “nặng ký” mà thế-giới đòi hỏi thả từ nhiều năm.

Một đằng nói với Hành-pháp Obama: Các ông xem đấy, chúng tôi biết nhượng bộ các ông để các ông có thể nói với bên Lập pháp, tức Quốc-hội, là Hà-nội đang nới dần, phải để cho họ “có thời giờ” giải-quyết các mâu thuẫn nội-bộ của họ, rồi thì họ sẽ thỏa mãn hết các điều-kiện mà ta đòi ở họ - để cho họ vào TPP (Hiệp-định Đối-tác xuyên Thái-bình-dương) - trong đó có cả điều-kiện Hà-nội phải cho thành-lập các “công-đoàn độc-lập” (mà Hà-nội thích gọi là các “công-đoàn cơ-sở,” lối xập xí xập ngầu để giải-thích là không thể có công-đoàn độc-lập lớn ngay được, phải từ từ xây dựng từ “cơ-sở,” “from the grassroot level up”).  Nghe phải chăng quá, phải không các bạn?

Một đằng khác, “chúng tôi” thả họ sang Mỹ và Mỹ chấp nhận, bằng-chứng khá hùng-hồn họ là “tay sai” của Mỹ.  Rõ không nào?

Chưa kể là làm như thế là Hà-nội vẫn treo một cây gươm Damoclès trên đầu mấy tù-nhân lương-tâm này.  Nếu quý-vị làm gì quá đáng, chúng tôi (Hà-nội) sẽ trả thù trên những người thân của quý-vị.  Vì pháp-luật Cộng-sản là thế: nhà nước “pháp-quyền” hoàn-toàn tin tưởng vào cái gọi là “liên-đới trách-nhiệm”!  Nếu chồng làm sai, nhà nước CS có thể làm khó dễ không chỉ với người vợ (bít hết các đường làm ăn) mà còn cả với con cái (không cho đi học đi làm, chẳng hạn), thậm chí cả với anh chị em hay bố mẹ, bạn bè!  Tóm lại, một quan-niệm rất “trung-cổ thời-đại” kiểu “chu di tam tộc”!

Và cuối cùng, ngay như mai mốt CS Hà-nội có thể bị ép nới rộng chế-độ thì cái nhà nước đó vẫn có thể cấm những tù-nhân mà chưa mãn hạn tù không được tham-gia chính-trị, như cấm Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày hay chị Tạ Phong Tần về nước ra ứng cử vào những chức-vụ dân bầu.

Đểu cáng lên ngôi?

Xem thế thì ta mới hiểu được là một thi-sĩ trong nước đã phải thốt lên: “Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.”

Người Việt hải-ngoại chúng ta nên nghĩ gì?

Càng biết người Cộng-sản là như thế, tôi thiết nghĩ chúng ta càng phải vượt được lên những ngờ vực, định-kiến thường-tình của chúng ta để mà nhìn ra:

Thứ nhất, chị Tạ Phong Tần mà một gương sáng trong cuộc tranh đấu cho Dân-chủ và Nhân-quyền ở quê nhà.  Ta biết rõ, chị đã một thời-gian là sĩ-quan công-an của Cộng-sản, tức là chị đã có lúc tin tưởng, thực lòng tin tưởng ở chế-độ.  Nhưng khác với hàng trăm nghìn công-an khác chỉ biết “còn Đảng thì còn mình,” khi khám-phá ra thực-chất bẩn thỉu của chế-độ chị đã phản-tỉnh để đi vào con đường “Công lý và Sự thật” (tên trang blog của chị), một cách tranh đấu hoàn-toàn bất bạo động và công-khai.

Thứ hai, chị đã trả giá rất đắt cho niềm tin mới của chị, bằng nhiều năm tù, bằng những tra tấn tinh-thần cũng như vật-chất trong tù, bằng cả cái chết đau thương của mẹ chị, bà Đặng Thị Kim Liêng, khi bà phải tự-thiêu trước đồn Công-an Bạc-liêu để nói lên nỗi oan ức của con mình.  Có người, lạ lùng thay, tới giờ này vẫn còn có thể khẳng-định những người như Tạ Phong Tần là làm theo “khổ-nhục-kế” của CS để được ra ngoài này đánh lừa chúng ta.  (Cũng những đầu óc bệnh hoạn này đã từng tung tin Nguyễn Chí Thiện là cuội, là chịu “khổ-nhục-kế” 27 năm tù để làm gì… thì tôi hết hiểu.)

Thứ ba, chị đã ngẩng cao đầu, xối xả mắng nhiếc những tên Công-an tra vấn chị trước khi phải vào tù (bởi chị đã quá thuộc bài của chúng, do đã được huấn luyện qua cùng trường) rồi vào tù rồi, chỉ vẫn không tha chúng, dùng lý-luận sắc bén để dồn chúng vào tường.

Thử hỏi, với một người kiên-cường đấu tranh như thế, mai mốt ra điều trần trước Quốc-hội Hoa-kỳ hay lên tiếng trước dư-luận Hoa-kỳ và thế-giới, người ta có thể phản-bác được kinh-nghiệm sống, kinh-nghiệm tù đầy trong các nhà giam CS của chị không?  Hỏi tức là trả lời.

Vì thế nên như một con người, một con người nhân-bản, tôi chào mừng người tù-nhân lương-tâm Tạ Phong Tần.  Tôi mừng cho chị đã ra được với Tự Do, dù như có thể chỉ là tạm bợ như người CS muốn cho ta - và nhất là người dân trong nước - hiểu là họ vẫn còn nhiều quyền hành với chị, với gia-đình chị, với người thân và bạn bè của chị!

Tôi trông chờ được tận mắt thấy, tận tai nghe chị ngày nào chị được mời lên Quốc-hội Hoa-kỳ điều trần về tình-hình nhân-quyền ở trong nước và chế-độ nhà tù của CSVN.

Bởi tôi tin chắc như Phật đã dạy:

“Có ba thứ người ta không bao giờ có thể che đậy được, Mặt Trời, Mặt Trăng và Sự Thật!”

Tâm Việt



Monday, September 21, 2015

TRẦN NGUYÊN THAO - HÀ NỘI BỊ NGHIỀN ÉP TRONG CUỘC CHIẾN TIỀN TỆ


HANOI BỊ NGHIỀN, ÉP
TRONG CUỘC CHIẾN TIỀN TỆ

Trần Nguyên Thao

Sau khi hạ tỷ giá đồng bạc VN so với Đôla xuống 2% vài tháng trước, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) nói là “không điều chỉnh tỷ giá VND/USD nhiều hơn 2% trong năm 2015”. Nay, còn gần 5 tháng nữa mới hết năm, Hanoi buộc phải “mở rộng biên độ tỷ giá từ 1% đến 2%”. Một tuần sau, ngày 19 tháng 8, NHNN lại thông báo phá giá đồng bạc Việt Nam thêm 1%, đồng thời nâng biên độ tỷ giá VND/USD từ 2% lên 3%. Tính từ đầu năm đến nay, đồng bạcViệt Nam so với Đôla thực tế đã mất giá 5%. Động thái này được ví như cử chỉ “lúp túp” bám theo đàn anh phương Bắc, khi Bắc Kinh ép Hanoi vào “tình trạng lúng túng bất ngờ”: liên tiếp 3 ngày (11, 12 & 13 tháng 8), Bắc Kinh hạ tỷ giá đồng Nguyên so với Đôla (3) lần xuống mức 4.6%. Quyết định này của Bắc Kinh theo sau động thái bơm 900 tỷ ra để cứu nguy vô vọng hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến tuột dốc thảm hại, mất trắng gần 30% trị giá! Theo ước tính từ những nghiên cứu về tiền tệ thì, Bắc Kinh có thể hạ tỷ giá đồng Nguyên so với Đôla đến mức 10% nội trong năm nay.

Hanoi biểu tỏ nỗi âu lo rằng, Bắc Kinh hạ giá đồng Nguyên với tỷ lệ lớn nhất trong hai thập kỷ qua chắc chắn sẽ tác động xấu đến nền kinh tế Việt Nam, vì Việt Nam lệ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu sản xuất mua từ nước láng giềng phương Bắc. Điều đáng lo ngại là VN đang nợ nước ngoài khá nhiều. Nếu giảm giá đồng bạc Việt Nam thì Việt Nam phải chi tiêu thêm nhiều hơn để trả nợ.

Kể từ năm nay, Việt Nam sẽ bị tăng tốc độ trả nợ, từ mức khoảng 7,5 tỷ Đôla mỗi năm lên 9,5 tỷ Đôla, điều này sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách - vốn đã khó khăn, nếu tỷ giá với Đôla Mỹ còn tăng tiếp. Khi đồng tiền Việt Nam yếu hơn sẽ đẩy tăng chi phí đi vay của Việt Nam.

Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra thí dụ : Trước đây cùng một mặt hàng, Trung cộng bán cho ta 100 đồng thì nay, giá chỉ còn 95 đồng. Ngược lại, hàng Việt Nam bán vào Trung cộng ngày trước là 100 thì nay giá là 106. Khi đó, đương nhiên hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó hơn, do bất lợi về giá.

Tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra trên các thị trường quốc tế. Một ví dụ cụ thể khác được Tiến Sĩ Thành nêu lên là trường hợp tôm hay hàng quần áo đang xuất khẩu vào Mỹ. Nếu trước đây, hàng Việt Nam và Trung Quốc đều như nhau ở mức 100 chẳng hạn, nhưng nay, hàng Trung Quốc sẽ chỉ là 95, còn hàng Việt Nam vẫn là 100.

Gần một thập niên qua, Trung cộng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu chỉ riêng từ Trung cộng chạm mốc 28,8 tỷ Đôla trong 7 tháng đầu năm 2015, tăng 22,5% so với 1 năm trước. Xuất khẩu chỉ ở mức 8,3%, tức 9,3 tỷ Đôla. Như vậy mức nhập siêu từ Trung cộng nội 7 tháng đầu năm cũng gần 20 tỷ Đôla, cùng kỳ năm ngoái chỉ có 14.9 tỷ Đôla - một hình ảnh Hanoi lệ thuộc Bắc Kinh quá lớn trong ngoại thương. Với Việt Nam, rõ ràng hàng xuất khẩu Trung cộng sẽ có ưu thế và nguy cơ nhập siêu sẽ ngày càng lớn. Trọn năm 2015, mức nhập siêu từ Trung cộng có thể xít soát 40 tỷ Đôla!

Chuyên gia kinh tế Phạm chi Lan dự báo, các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất hàng trong nước và xuất khẩu nếu Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá ở mức hợp lý hơn.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh dẫn một số nghiên cứu cho biết Trung cộng có thể phá giá đồng Nguyên đến 10% trong năm nay. Lúc đó phản ứng của NHNN Việt Nam thế nào thì sẽ còn là một vấn đề phải xem xét.

Theo hãng tin Anh Reuters, đại diện Ngân hàng HSBC tại Việt Nam hoan nghênh phản ứng nhanh chóng và hầu như chưa từng thấy của Việt Nam, cho thấy là NHNN đã sẵn sàng ứng phó với các thách thức của thị trường. Các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng ANZ cũng ghi nhận là phản ứng của Việt Nam mạnh bạo hơn dự kiến.

Ngay lập tức, sau khi Trung cộng hạ giá đồng Nguyên, Đôla và vàng tại thị trường chợ đen Việt Nam vọt lên kỷ lục mới. Tỷ giá trần là 22.547 VND/USD sau khi biên độ tỷ giá VND/USD được nới lên 3%. Chỉ từ sáng đến trưa ngày 13 tháng 8, giá vàng đã tăng nóng thêm 900.000 đồng mỗi lượng. NHNN chính thức xác nhận rằng sau sự kiện Trung cộng phá giá mạnh của đồng Nguyên, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ có thể tăng lãi suất” vào tháng 9 này.

Hồi tháng 6, khi thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thẩm quyến lao dốc, Bắc Kinh nói là nền kinh tế tăng trưởng đến 7%. Nhưng sau đó, các số liệu cho thấy xuất cảng giảm mạnh đến 8%, so với cùng ky năm ngoái, nhập khẩu cũng giảm, cùng với chỉ số về đơn đặt hàng chế biến gọi là PMI cũng sa sút. Đưa kinh tế Trung cộng đến suy trầm. Vì vậy, Bắc Kinh có nhu cầu bơm tiền kích thích kinh tế.

Điều mà Bắc Kinh “cay cú” là bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa thẩm định vào tuần lễ đầu tháng 8 rằng, “đồng Nguyên của Trung cộng chưa đạt tiêu chuẩn để trở thành ngoại tệ dự trữ.”

Theo Wall Street Journal, việc Bắc Kinh phải dùng đến vũ khí nhân dân tệ để tự cứu mình, bất chấp láng giềng, có thể có hệ quả không tốt cho chính sách khu vực của Chủ tịch Tập Cận Bình, đang rất muốn (1) dùng lợi ích kinh tế để thuyết phục các nước chấp nhận quyền khống chế của Bắc Kinh trên Biển Đông, (2) hậu thuẫn cho định chế tài chánh đa phương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung công làm đầu tầu, sẽ hoạt động vào đầu tháng 12 tới, (3) cũng như ủng hộ Trung cộng trong việc đòi Quỹ Tiền tệ Quốc tế công nhận đồng Nguyên là ngoại tệ dự trữ toàn cầu.

Với tình huống này, “ba giấc mơ” vung cánh tay quyền lực mềm nhằm khống chế các nước lân bang của Trung Nam Hải xem ra còn chạm vào vô vàn lực cản, cũng như gặp chính cảnh suy yếu kinh tế và “chảy máu” nội tại về tiền tệ (nhà giầu Trung cộng chuyển tiền ra đầu tư nước ngoài cho an toàn) là những thách đố cho hy vọng thành công của giấc mộng Bắc Kinh tai vùng Á Châu, Thái Bình Dương.

Tại Trung Á, Bắc Kinh muốn gia tăng tầm ảnh hưởng qua “Con đường tơ lụa mới”.  Dự án này nói là sẽ hoàn thành vào năm 2049, gồm một vòng đai qua đường hàng hải và một tuyến đường trên bộ. Vòng đai biển là những con đường hàng hải và những hải cảng thương mại do Trung cộng tài trợ. Tuyến đường bộ gồm, đường sắt, xa lộ nối liền miền tây Trung Quốc với Tây Âu, đường đến cảng Gwadar ; có chiều dài tổng cộng 11.000 km nối liền các trung tâm lớn thế giới – chiếm 55% tổng sản phẩm nội địa, 70% dân số và 75% lượng dầu khí đã phát hiện trên toàn cầu. Đây cũng có thể là một đai dự án “đội đá vá trời”.

Tuy nhiên, đối với Hanoi từng “dâng mình” cho Bắc Kinh từ trước để đổi lấy sự tồn vong chế độ, thì nay bị phuong Bắc nghiền, ép thêm vào cuộc chiến tiền tệ không cân sức là điều phải xẩy đến.

Bắc Kinh hiện nắm giữ thế thượng phong trong việc bán nguyên liệu cho nền công nghệ chế xuất của VN. Hàng lậu từ Trung cộng tràn vào các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam mỗi năm nhiều bằng hàng nhập cảng chính thức. Bắc Kinh đang nắm giữ 90% các dự án kỹ nghệ quan trọng của Việt Nam; làm chủ nhiều khu thương mai và làng thương mại to lớn, cũng như mua nhiều khu rừng có tài nguyên lâm và khoáng sản giá trị; làm chủ công trình kỹ nghệ gang thép Vũng Áng, có đến 60 ngàn công nhân và gia đình người Tầu sinh sống, mỏ Boxit Tây Nguyên với nhiều làng người Tầu mọc lên từ lâu trong vùng này. Cả hai Vũng Áng và Boxit Tây nguyên được coi là các địa điểm chiến lược quan trọng sống còn của Việt Nam, lại do người Tầu năm giữ, và có hàng chục ngàn người Tầu làm ăn sinh sống như “một đạo quân nằm vùng”. Ngoài biển, Bắc Kinh đã chiếm giữ, xây thêm các đảo nhân tạo làm căn cứ quân sự và phi đạo cho máy bay quân sự lên xuống . . . Phía Tây Nam, cũng là Trung cộng, dùng bàn tay Cam-bốt quấy nhiễu vùng biên giới. Các việc này diễn ra được là do chính Hanoi từ lâu lần lượt mở cửa cho Bắc Kinh thao túng nền kinh tế Việt Nam.

Trong tình huống này, Hanoi nên tỉnh ngộ nhận ra kết quả thăm dò của viện nghiên cứu PEW gần đây, theo đó 79% dân chúng được hỏi ý kiến tỏ ý công khai “chống Trung cộng”. Tình thế này có thể còn nhiều bất ngờ, vì Bắc phương vẫn muốn nuốt chửng Việt Nam. Nếu Hanoi dựa vào lòng dân, ý trời, thì Bắc Kinh có toan tính cách mấy cũng có ngày “ngộ xin cuốn gói quay về cố hương”.

Trần Nguyên Thao
August 19, 2015




Thursday, September 17, 2015

TÂM VIỆT – “ƯỚC MƠ CỦA THỦY” MỘT THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ


“ƯỚC MƠ CỦA THỦY”
MỘT THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CHẾ ĐỘ

Tâm Việt

Một cô gái trẻ ở trong nước vừa tung ra một thách thức đối với chế-độ bằng một quyển sách nhỏ, Ước mơ của Thủy.  Mới khoảng 30 tuổi, tác-giả Lê Việt Kỳnhi trong nhóm bcLH (“Bước chân Lạc Hồng”) đã viết nên một cuốn sách vừa sâu sắc vừa trong sáng, giàu trí tưởng-tượng nhưng không phải là loại tưởng-tượng hoang-đường mà là một thứ tưởng-tượng rất khoa-học, có căn-cứ rõ ràng.  Rõ ràng đây là một cuốn sách mà như người Pháp đã có cách mô tả “rất Pháp”: “Ce qui se conçoit bien s’énonce clairement.” (“Cái gì đã được suy tư cẩn mật thì sẽ được diễn-tả ra một cách trong sáng”).

Ba chương rõ ràng: Nguồn cội, Giáo-dục, Nhân-bản-luận

Cuốn sách không dầy, chỉ hơn 100 trang nếu kể cả ba Phụ lục ngắn (“Hãy là con sư tử mang chính khí Việt Nam,” “Theo trào lưu thế giới,” “Quốc kỳ và Quốc dân”) nhưng gần như từng dòng một là mang một nội-dung chất chứa suy nghĩ độc-đáo, đáng để cho người đọc thẩm-định.  Đúng như Nguyễn Phương Uyên, một người trẻ khác, viết trong “Lời giới thiệu”: Đây là sách viết theo kiểu “ung dung ta nói điều ta nghĩ” nên “tôi nghĩ các bạn phải đọc cuốn sách này bằng cách nói chuyện với nó.”  Vấn-đề không phải là “cùng tác giả đi tới trang sách cuối cùng, mà phải nói chuyện nhiều lần với tác giả, nghĩa là phải đọc nó nhiều hơn một” lần.  Chính cá-nhân tôi, người điểm sách, đã đọc đi đọc lại cuốn sách ba lần trong vòng một tháng qua.

Đâu phải vì cuốn sách viết chữ nghĩa khó khăn hay mang những thông-điệp gì bí ẩn!  Như tôi đã thưa ở trên, cuốn sách viết sáng như ban ngày, không có tới một câu rắc rối hay cầu kỳ--nhưng sâu sắc thì có những đoạn dị-kỳ, làm ta sửng sốt!

Tôi xin tạm lấy một thí-dụ.  Trong chương “Nguồn cội” tác-giả đã dựa một phần vào những người đi trước để nói về những nét văn-hóa rất đặc-trưng của ta như một nền văn-hóa Đông-Nam-Á, tìm ra nghề canh nông lúa nước trước rất nhiều nước.  Điều này đã được những học-giả lừng danh thế-giới như Wilhelm Solheim đã tìm ra từ thập niên 70 của thế-kỷ trước, nền văn-minh trống đồng của Việt-nam cũng đã được các học-giả người Pháp, người Đức (như Heger), người Thụy-điển (như Olov Janse) chứng minh qua những khai quật của họ từ thập niên 20-30 của thế-kỷ XX, song đi vào tìm ra những ý nghĩa sâu xa của trống đồng, chẳng hạn, thì ta lại phải đợi đến Linh-mục Kim Định với những sách như Sứ điệp trống đồng của ông—khác hẳn những lối khai quật khoa-học được các khảo-cổ-gia miền Bắc học theo các thầy Tây-phương nhưng không đi sâu được vào ý nghĩa của những vật mình tìm ra.  (Mãi gần cuối đời, sử-gia Trần Quốc Vượng ở Hà-nội mới đi vào ngành folklore-học để theo khảo-hướng này.)

Sở dĩ phải tìm về nguồn cội thì ta mới biết được ta từ đâu đến để định ra con đường trước mặt.  Sử-học Cộng-sản vì tất cả những gian dối của nó nên một ngày kia, chúng ta sẽ phải viết lại hết cả (cũng tựa như kinh-nghiệm của nước Nga sau thời CS, họ đã phải viết lại hết cả sách giáo-khoa về sử của nước họ).  Cũng vì những lý-do như thế mà tác-giả Lê Việt Kỳnhi tỏ ra rất ăn ý với những nỗ lực “tìm về nguồn” của các tác-giả hải-ngoại như Phạm Trần Anh với cuốn Nguồn gốc dân tộc Việt hay Du Miên với quyển Suối nguồn văn minh phương Đông.  Cô không kỳ-thị người ngoại-quốc bởi cô trích với sự thích thú nhận-định của G.S. sử-học Keith Taylor và G.S. người Hàn-quốc Han Do Hyun khi hai ông này cho rằng Việt-nam thời cổ không kỳ-thị đối với phụ nữ và còn có chế-độ “lưỡng hệ (phụ hệ và mẫu hệ).”  Đi từ nguồn cội như thế là để bác bỏ ảnh-hưởng Nho-giáo trọng nam khinh nữ mà đòi hỏi trở về nguồn, tìm lại sự bình-đẳng cho nữ-giới để hơn một nửa dân-số có thể đóng góp ngang hàng với nam-giới (nếu không muốn nói là hơn, vì đông hơn).  Đó là những loại tư-duy rất độc-lập của tác-giả Ước mơ của Thủy.

Nhưng cô còn đi xa hơn thế.  Cô dẫn một cách tâm đắc nhận-định của triết-gia Kim Định:

“Sứ điệp trống đồng nằm ngay trong chữ Trống…”

Lê Quý Đôn đã tóm ý đó vào mấy câu sau:

“Trời lấy trống không làm đạo,
Đất lấy im lặng làm đạo,
Người có trống không và im lặng mới hợp với đạo trời đất.
Vì trống không / khắc được tự sáng sủa.
Yên lặng khắc được tự yên định.”

Chưa hết, cô cho là còn phải thêm: Sứ-điệp trống đồng còn nằm ở chữ “Đồng” nữa!  Không chỉ có ý nghĩa là một kim-loại, chữ “Đồng” còn có nghĩa là “đồng thuận, đồng tâm” tựa như trong câu “Thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.”  Từ đó, cô cho rằng chúng ta chưa đi hết con đường ông bà tổ tiên chúng ta đã vạch ra: chúng ta chưa đi hết chữ “Đồng.”  Thật là một ý-tưởng vô cùng độc-đáo!

Thách thức đối với quê hương, đối với nhà cầm quyền

Những suy tư khác của tác-giả Lê Việt Kỳnhi cũng tương-tự, đầy tư-duy độc-lập và sáng-tạo.  Nhưng không vô lý.  Có thể là vì cô đã nghiên cứu nhiều năm sấm Trạng Trình và được biết trong cộng-đồng mạng ở Việt-nam như là “người giải sấm” (tiết-lộ của Huỳnh Lê Nam trong “Lời bạt”).  Và cũng vì cô cũng đã từng trăn trở với nhiều người con dân đất nước về một “lối ra cho một xã hội bế tắc” (tên một bài viết của cô trên Facebook của cô).

Đọc cuốn sách của Lê Việt Kỳnhi, chúng ta thấy như được đồng-hành và trao đổi với một bộ óc tế nhị, thách thức những suy nghĩ đã vào khuôn vào khép của chúng ta—nhất là những bậc có tuổi, “bề trên,” dễ nghĩ là người già có độc-quyền về trí-tuệ, khôn ngoan hơn người.  Đây là một trường-hợp mà không những ta có thể nói, “Hậu-sinh khả úy,” mà còn có thể nói thêm “Nữ-hậu-sinh diệc đại khả úy.”

Vì dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám viết nên Lê Việt Kỳnhi rất tự tin, không mảy may mặc-cảm… trước người lớn!

Tôi không muốn đi vào những chi-tiết của hai chương còn lại trong sách, về Giáo-dục và về Nhân-bản-luận.  Tôi muốn dành sự thích thú đó cho người đọc, nhất là “người lớn đọc” để chúng ta hết khinh thường tuổi trẻ VN hôm nay, đặc-biệt là các phụ nữ trẻ như Lê Việt Kỳnhi, Nguyễn Phương Uyên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Huỳnh Thục Vy v.v.  Đã đến lúc chúng ta cần xét lại hết cả những định-kiến cổ-hủ, hủ-nho bại hoại của chúng ta để tháo gỡ cho tư tưởng Việt-nam được bay bổng, bắt kịp với thế-giới, bắt kịp với đời.

Tác-giả gọi sách mình là “Ước mơ của Thủy”: “Tên tôi là Thủy…  Tôi thật sự mơ được thấy một dân tộc Việt mạnh mẽ với hào khí ngút trời…  Vì giáo dục là nền tảng xã hội, muốn đất nước hồi sinh không thể không chỉnh đốn lại nền giáo dục.  Và cuối cùng là chương Nhân bản luận, là suy nghĩ to gan của tôi về một Việt Nam có thể tạo một bước tiến mới trong sự phát triển của nhân loại.”

Thì ra thông-điệp của cô, mạnh là thế, lại được nói ra một cách rất đàn bà con gái, một cách thật nhỏ nhẹ.  “Thủy” xem cho cùng là “nước,” không phải chỉ là một chất lỏng, mà còn là “nước, là quốc gia, là Việt Nam” với tất cả yếu-tính linh-hoạt của nó.  Nước chảy, đá mòn, ước mơ của Thủy, đưa ra trước ngày Quốc-khánh mồng 2 tháng 9 của Hà-nội, chắc sẽ có ngày làm cho khối đá CSVN phải mòn đi thôi.

Tâm Việt

 * Sách Ước mơ của Thủy của tác-giả Lê Việt Kỳnhi có thể mua trên Amazon Books hoặc độc-giả có thể gởi $15 (Mỹ-kim, gồm $12 ấn-phí và $3 bưu-cước) về: 6433 Northanna Drive, Springfield, VA 22150-1335.  ĐT: (703) 971-9178.