Lac Viet Humanistic Culture

Sunday, March 4, 2018

TẠ PHONG TẦN - "BỊNH" SỢ TẾT


Bài đã đăng báo Trẻ Magazine, ngày 27/2/2018
https://hr4vn.me/2018/03/03/binhsotet/
Tôi mắc “bịnh” sợ Tết từ lúc nhỏ. Ðứa nhỏ nào lớn lên ở Việt Nam như tôi đều cũng biết câu này: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Ðọc qua nghe nó nôn nao, háo hức với chữ Tết làm sao í. Cứ ngong ngóng trông cho Tết đến để coi đốt pháo, coi dựng nêu nó ra làm sao, còn bánh chưng thì miền Tây Nam bộ không có, làm cho tôi khao khát được nhìn thấy, được ăn thử cái bánh chưng quá chừng luôn. Nói chung Tết đồng nghĩa với được nghỉ học, được mặc quần áo vừa mới vừa đẹp đi chơi, được ăn nhiều đồ ngon, được coi hát cải lương ở đình làng, được tiền lì xì, được coi đốt pháo, được coi bông hoa xanh đỏ tím vàng sặc sỡ ở nhà mình lẫn nhà hàng xóm, được chơi thoải mái.
Than ôi! Sự đời éo le ở hai chữ “Than ôi!” này nè. Người ta thường hay nói câu “Niềm vui ngắn chẳng tày gang” để chỉ cái vui vẻ nào đó vụt thoáng qua như chiếc lá thu rụng xuống thềm rồi một đi không trở lại. Cái cảm giác háo hức trông chờ Tết của tôi chỉ được đúng hai năm, rồi tất cả rơi vào trạng thái hụt hẫng và sợ hãi triền miên.
Ðọc đến đây chắc quý vị đặt câu hỏi: Tết hấp dẫn như vậy thì tại sao chỉ kéo dài có hai năm và chuyển qua trạng thái “sợ Tết” triền miên? Xin thưa với quý vị rằng: Vì miền Nam của chúng tôi “được giải phóng” để “tiến lên xã hội chủ nghĩa”, tiệm chụp hình-sửa TV-Radio, tiệm uốn tóc của cha mẹ tôi đóng cửa, thành ra cả đời tôi mất Tết.
Khi tôi còn nhỏ, Tết là những ngày tù “giam lỏng” tại gia. Tôi có thói quen đến bữa cơm là bưng tô cơm ra trước sân ngồi ăn cho mát, vừa ăn vừa chơi, có khi còn bưng qua ăn tận nhà hàng xóm để chơi với mấy đứa bên đó. Ngày Tết, cha mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại rằng: “Ngày Tết nhà mình không có thịt, cá, bánh trái gì, không có quần áo mới đẹp, đừng qua nhà người ta, người ta sẽ chửi là xui xẻo, ngày Tết bị chửi là nhà mình xui suốt năm.” Tất nhiên, cha mẹ tôi cũng không có tiền sắm quần áo mới cho chính mình, không có tiền lì xì, mua bánh kẹo cho bầy trẻ hàng xóm, không có tiền mua vé dẫn chúng tôi đi coi hát, không thăm viếng họ hàng, nên hai ông bà cũng “cố thủ” trong nhà luôn.
Nếu ngày thường nhà tôi mở toang cửa cho ánh sáng và không khí thoáng mát từ ngoài ùa vào nhà, thì ngày Tết nhà tôi lại là những ngày u ám (đúng nghĩa đen), bởi lẽ trong nhà không trang hoàng, không chưng bông hoa, cũng không muốn cho con nít hàng xóm vô nhà (sợ nó xin tiền lì xì hay xin bánh kẹo mà mình không có để cho nó) nên chỉ mở cánh cửa he hé thôi, ai có việc cần đi ra đi vô là phải khép cánh cửa lại.
Gia đình tôi sống ở nơi nửa quê nửa thành, thiệt giống như loại “con không cha mẹ” vậy. Không phải quê nên không có đất trồng trọt ra thứ gì để “tự túc”, nhưng khi “nhà nước ta” phát tem phiếu mua sắm điều gì cho dân thành thị thì bị liệt vào loại “đã có sẵn, không phát” vì ở khu vực “nông thôn”; khi phát tem phiếu mua hàng công nghiệp thì cũng bị liệt vô loại “đã có sẵn, không phát” vì “ở khu vực thành thị”(!)
Nếu ngày trước, dân xứ tôi đêm đêm lén lén mở Radio nghe “Ðài phát thanh giải phóng” thì bây giờ họ chuyển qua đêm đêm lén lén mở Radio nghe Ðài BBC. Mà không phải nhà nào cũng có pin con Ó để nghe radio đâu. Nhà tôi còn tồn nhiều pin con Ó cục bự vì cha tôi sửa radio cho khách, nên cứ thỉnh thoảng tôi thấy cha tôi lấy pin cũ ra, lấy cái dùi, cây búa đập nhẹ nhẹ xung quanh miếng nhựa tròn trên nắp cục pin cho lõi than bên trong dồn lại, rồi phơi nắng cục pin vài ngày. Tôi hỏi cha làm vậy để chi? Cha tôi nói để pin cũ hết pin có pin lại mới nghe radio, nghe cải lương được.
Những cái Tết như vậy cứ lặp đi lặp lại trong gia đình tôi cho đến khi tôi mười lăm tuổi. Lúc này, Tết không bị “giam lỏng” trong nhà mà chuyển địa điểm “giam” ra một chỗ khác. Số là cha tôi từ làm chủ một tiệm chụp hình đã trở thành làm công cho công ty nhiếp ảnh quốc doanh của “nhà nước ta” trực thuộc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Minh Hải, là thợ chánh của tiệm chụp hình Khai Long. Cái tiệm này phải cõng một đống cán bộ biên chế nhà nước không biết làm nghề nhiếp ảnh, nên tất cả mọi công việc chuyên nghiệp đều do cha tôi làm hết. Thời gian này, ở Việt Nam chỉ có duy nhất ảnh trắng đen, chụp bằng phim nhựa loại 36mm. Từ kỹ thuật phòng sáng, phòng tối, chụp hình cho khách, vẽ phông chụp ảnh, làm vật phụ chụp ảnh (con ngựa, con cọp giả khách leo lên ngồi được…) đều do cha tôi tự làm hết. Do đó, cha tôi phải “đào tạo” tôi thành một thợ ảnh chuyên nghiệp biết làm tất cả các giai đoạn. Vậy là từ đêm giao thừa cho đến hết Tết, tôi bị “giam lỏng” ở tiệm chụp hình từ sáng sớm đến một hai, giờ khuya là bình thường.
Cha tôi bịnh chết cũng là lúc tôi vào đại học Luật ở Sài Gòn, địa điểm “giam lỏng” ngày Tết của tôi bị chuyển ra đường, và duy nhất trong bốn năm đại học, tôi không sợ Tết mà mong Tết. Bởi đó là dịp tôi có thể trở về nhà ở Bạc Liêu với gia đình được nửa tháng rồi trở lên Sài Gòn tiếp tục học. “Bổn cũ soạn lại”, từ đêm giao thừa cho đến hết Tết, tôi bị “giam lỏng” bên vỉa hè đại lộ Trần Phú, đoạn gần cầu Quay, đối diện dinh Tỉnh trưởng cũ.
Cả nhà xúm nhau bán bong bóng vẽ, tôi phụ trách vẽ bong bóng, mẹ tôi và các em tôi lo phần mời khách, bán hàng. Tôi còn “thê thảm” hơn ở chỗ phải đứng suốt từ sáng sớm đến một giờ đêm vì khi vẽ phải đứng để kềm cái bong bóng chớ ngồi không vẽ được. Sau Tết, có chút lộ phí trở lên Sài Gòn, chớ không đủ tiền mua sắm thứ gì đem theo được.
Xong đại học, bạn bè của tôi đứa nào gia đình khấm khá thì lo chạy tiền chạy bạc cho nó có suất ở lại làm việc trong cơ quan nhà nước (Lúc này chưa có kinh tế tư nhân), đứa nào có chút “ngoại hình đẹp” (cả nam lẫn nữ) thì kiếm đại ai đó có hộ khẩu Sài Gòn để kết hôn, nhập hộ khẩu vô làm dân Sài Gòn thì mới xin việc ở thành phố được. Những đứa không có tiền, không có “ngoại hình đẹp” như tôi đều “về quê cắm câu”. Năm 1991, ba đứa cùng học chung với tôi là bốn người có trình độ đại học Luật hệ đào tạo chính quy đầu tiên của tỉnh Minh Hải, không phải loại “Dốt như Chuyên tu, ngu như Tại chức” nghen!
Bằng tốt nghiệp đại học của tôi ghi rõ là “Ðào tạo cán bộ ngành Tòa án”. Tuy nhiên, tôi không có tiền chạy việc, lãnh đạo Tòa án trả lời “đủ biên chế”. Nhân lúc Cảnh sát điều tra ở thị xã đang thiếu người có trình độ đại học, vậy là bên Công an “hốt” tôi vô luôn.
Công an cũng giống như Y tế, nghĩa là lúc nào cũng phải có người trực 24/24/7 ngày/tuần. Y tế “ngon” hơn ở chỗ trực liên tục 24 giờ/ca được nghỉ hai ngày, chia ra mỗi ngày làm 8 giờ, công an trực xong không được nghỉ ngày nào. Cả đội Cảnh sát điều tra mười mấy người, chỉ duy nhất một mình tôi là dân chánh gốc thị xã, còn lại đều là “gia đình cách mạng” ở “vùng sâu, vùng xa”, nên ngày Tết ai cũng có nhu cầu nghỉ vài ngày để về quê ăn Tết, thăm viếng cha mẹ, họ hàng. Nhưng quy định trực thì không trừ ai, nên những ngày Tết là mấy đồng nghiệp đó năn nỉ tôi trực thế. Họ vừa “đóng vai buồn” vừa dúi tiền: “Mày đâu có ai ở quê cần về, mày giúp anh năm nay đi, chỗ tình nghĩa đồng đội với nhau mỗi năm có một lần. Tao không về ba má, họ hàng bên nội, bên ngoại, bên vợ chửi chết luôn. Tao về đem tôm khô má làm lên cho một mớ”. Thôi kệ, vậy là mấy ngày Tết tôi tiếp tục bị “giam lỏng” ở Văn phòng đội Ðiều tra. Chỉ có thời gian làm việc ở Sở Thương mại- Du lịch tỉnh Bạc Liêu là không bị “giam lỏng” vì đây là cơ quan hành chánh, cái sự trực cơ quan không đến nỗi gắt gao.
Chuyện bị “giam lỏng” chưa là gì so với chuyện phải lo quà cáp tứ phương dịp Tết. Thập niên 80, phim Hồng Kông tràn ngập Việt Nam. Coi phim, thấy xứ người ta ngày lễ, ngày Tết sếp tặng quà, đãi restaurants cho nhân viên thấy mà ham. Nhìn lại xứ mình cấp dưới thì nghèo (nếu không dùng thủ đoạn bắt dân “đóng hụi chết”), tiền thưởng Tết cơ quan cho không đủ nhét kẽ răng, mà còn phải đeo thêm cái gông quà cáp cho sếp ngày Tết.
Chuyện quà cáp cho sếp ở Việt Nam là bi hài kịch dài nhiều tập, kể không biết đến bao giờ mới hết. Rất nhiều người coi dịp Tết, cưới xin, ma chay, giỗ quảy… ở nhà sếp là dịp được đưa hối lộ công khai để “mua quan, bán chức”, với các quà tặng như: Hộp bánh Trung Thu vàng bốn số 9, tặng xe sang, tặng nữ trang, tặng đồ nội thất, v.v… hộp to hộp bé lủ khủ cho vợ sếp, quý tử của sếp. Nhưng đó cũng là nỗi ám ảnh hãi hùng cho những người như tôi. Tôi nhớ năm 2006, tiền thưởng Tết Sở Thương mại- Du lịch cho mỗi người có 150 ngàn hồ tệ, đem ra mua được một ít khô mực, vài hộp mứt gừng để chia ra tặng một sếp lớn, một sếp nhỏ là hết sạch tiền. Tuy không đáng giá là gì so với quà cáp của người khác tặng sếp, nhưng nếu không “chạy theo phong trào” thì “thiên hạ” nhìn mình như vừa nhìn thấy “Người từ hành tinh lạ rơi xuống trái đất”. Cũng còn chút may mắn là tôi có thu nhập thêm từ nhuận bút mấy tờ báo Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, nếu không thì ngày Tết chỉ còn cách lấy mo cau bó mỏ.
Năm 2007, tôi thôi làm công chức nhà nước, tôi trút được cái “gông” quà Tết ra khỏi cổ. Kể từ đây, tôi không bị bắt buộc phải tặng quà Tết cho bất cứ ai, tôi chỉ tặng quà Tết cho người nào mà tôi muốn tặng. “Bịnh” sợ Tết của tôi vẫn còn, nhưng tôi sẽ kể cho quý vị nghe vào một dịp khác, với những “triệu chứng” mới hơn.
Tạ Phong Tần

No comments:

Post a Comment