Lac Viet Humanistic Culture

Wednesday, April 13, 2016

NGUYỄN TIẾN CẢNH - CON NGƯỜI NHÂN BẢN VÀ NHÂN QUYỀN Ở THIÊN NIÊN KỶ THỨ BA


Khoa học kỹ thuật ngày nay đã tiến những bước khổng lồ không thể tưởng tượng được, nhất là khoa học điện tử, tin học, quang học…Con người lên được mặt trăng và các hành tinh khác ngoài trái đất hoặc lơ lửng trong không gian đã trở thành chuyện đương nhiên bình thường. Từ chiếc điện thoại cầm tay nhỏ xíu có thể liên lạc với bất cứ nơi nào trên trái đất. Một năm sau, với chiếc điện thoại đó, người ta có thể nhìn thấy mặt nhau trong khi nói truyện…Về y khoa thì trước đây 5-10 năm, những kỹ thuật giải phẫu kể là đã tiến bộ, nhưng vẫn còn khó khăn, trở ngại và có biến chứng nguy hiểm, nhưng ngày nay nó đã trở nên dễ dàng, nhanh chóng, lại an toàn nhờ kỹ thuật dùng tia laser. Giải phẫu buổi sáng thì buổi chiều bệnh nhân đã có thể rời bệnh viện về nhà sinh hoạt bình thường.

Thế kỷ 20, thiên niên kỷ II / 1900 là thế kỷ chiến tranh và xáo trộn. Chiến tranh thế giới gây biết bao cảnh điêu tàn giữa hai phe Phát Xít, trục Ý-Đức-Nhật và thế giới. Thế giới lưỡng cực với chiến tranh lạnh Quốc-Cộng, có những lúc tưởng như thế giới chiến tranh thứ ba xẩy ra. Nhưng kết thúc phe cộng sản tự động rút lui, phá tan bầu khí ngột ngạt chiến tranh lạnh đã kéo dài gần cả thế kỷ.

Năm 2000, thiên niên kỷ III, chiến tranh ý thức hệ không còn, thế giới không chạy đua chiến tranh, nhưng chạy đua về kinh tế. Ai làm chủ kinh tế sẽ bá chủ thế giới. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Âu Châu hay Á Châu?  Các quốc gia Âu Châu đã thành lập một thị trường chung thống nhất có cùng một bản vị tiền tệ. Tương lai có thể qua mặt Hoa Kỳ. Hiệp hội các nước Á Châu với những con rồng con hổ kinh tế cũng đang hiệp nhất giúp nhau phát triển kinh tế. Hai nước Ấn Độ và Trung Hoa với khối người khổng lồ chiếm hơn một phần ba dân số thế giới sẽ đạt mức phát triển kinh tế gấp đôi so với dân chúng của các quốc gia giầu có ở thiên niên kỷ tới. Chưa biết ai thắng ai. Hoa Kỳ không còn nói đến quốc gia mà thường nói đến trật tự mới thế giới.

Ở thế kỳ 20, cuộc cách mạng nông nghiệp và kỹ nghệ đã làm biến đổi ý nghĩa và cuộc sống con người. Người ta đã nói đến và tranh đấu đòi hỏi cho con người có được nhân vị, nhân bản đúng nghĩa và nhân quyền thực sự.

Qua năm 2000, bước vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ III, người ta sẽ vẫn còn nói đến NHÂN QUYỀN, nhưng cuộc Cách Mạng Kiến Thức (Knowledge-based Revolution) mới là mấu chốt của thiên niên kỷ thứ ba này và sẽ sáng chói mãi mãi. Nó có khả năng mạnh mẽ vô cùng, có thể làm thay đổi và đảo ngược tất cả sinh hoạt của loài người về mọi mặt từ tư tưởng đến hành động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đạo đức…Yếu tố nổi bật nhất của cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng Điện Toán và Tin Học. Khoa này đã đạt mức tiến cực kỳ tối tân, hữu hiệu và nhanh chóng đến chóng mặt. Một biến cố xẩy ra ở một nơi hẻo lánh xa xôi mãi tận Phi Châu hay Nam Mỹ mà chỉ trong tíc tắc đồng hồ cả thế giới đều có thể biết được. Một mặt của cuộc cách mạng nữa là Kỹ Thuật Y Học. Năm 1996 người ta đã làm ra được một con cừu giống y chang con cừu mẹ theo phương cách ‘clone’ không kinh qua phương cách bình thường là phối hợp nam-nữ hoặc cái-đực. Con cừu clone đầu tiên này có tên là Dolly. Người ta cũng có thể tạo ra những hài nhi bằng cách chế ra những genes theo ý muốn và do đó có thể thay đổi mức độ thông minh của đứa trẻ. Người ta cũng có thể cấy những genes đó vào thú vật để tạo sự thông minh cho thú vật và ngược lại cấy genes của thú vật vào con người. Người ta cũng có thể cấy đặt những điện toán ly ti (microchip, nanoCHIP) nhỏ bằng 1/30 sợi tóc vào con người để chẩn bệnh, truyền thuốc vào cơ thể con người và những ứng dụng khác như thay đổi hoặc sửa chữa những cơ quan hư hỏng hoặc tái tạo những khả năng mới mà con người tự nhiên chưa bao giờ có.

Nếu một lúc nào đó chúng ta khám phá ra được một loại sinh vật không giống con người ở một hành tinh khác ở bên ngoài trái đất thì loài người chúng ta sẽ giữ vai trò gì trong hệ thống cấu trúc sinh vật ấy? Và, “Thế nào là Con Người Homo Sapiens?” khi có những loại con người nhân tạo hoặc đã được sửa chữa để cho thông minh hơn hoặc ngu đần đi hay có những con vật thông minh tài giỏi như con người hoặc con người mà hành động hoàn toàn do sự điều khiển của ngoại nhân? Mới đây, năm 1999 người ta đã làm được một con khỉ theo phương pháp clone và đặt tên cho nó là Tetra (1).

Người ta cũng dự trù làm ra cả con người nữa (2). Lúc đó, linh hồn, trí khôn, nhân vị, nhân quyền, dân quyền…có được áp dụng cho những con người không phải là người tự nhiên như chúng ta không? Đâu là ranh giới giữa người ‘nguyên chất’ và người có cài đặt máy trong cơ thể được tạo ra do kỹ thuật của con người? Vấn đề tôn giáo và luân lý đạo đức sẽ được áp dụng cho ai, như thế nào hay phải thay đổi và thay đổi ra sao? Đó là tất cả những vấn nại giữa khoa học kỹ thuật và luân lý đạo đức, tôn giáo ở thiên niên kỷ thứ ba này.

Phải chăng con người có khả năng sáng tạo và biến hóa khoa học kỹ thuật hay khoa học kỹ thuật đã biến đổi và hóa giải con người, khiến con người phải hụt hơi chạy theo khoa học kỹ thuật?  Nói một cách khác, tư tưởng và kiến thức đi trước khoa học kỹ thuật hay khoa học kỹ thuật đi trước tư tưởng và kiến thức?

Người ta thường nói: “Người là một con vật có lý trí”. Nhà văn, khoa học gia kiêm triết gia Pascal lại gọi: “Người là cây sậy biết suy nghĩ.” Khi định nghĩa như vậy là tác giả muốn ám chỉ con vật không có lý trí, cậy sậy không biết suy nghĩ hay không có ‘linh hồn’  theo quan niệm tôn giáo duy linh để phân biệt người với vật, cây với người. Đó là ranh giới giữa người và vật. Vì vậy mà con người đã đối sử với vật rất “không người”. Nhưng khi cuộc sống ngày càng dễ dàng hơn, văn minh thăng tiến hơn, con người đối sử với nhau cũng trở nên nhẹ nhàng hơn, đối với súc vật thì lại càng đặc biệt hơn. Ở các nước văn minh, người ta đã đặt thú vật lên một thang bậc cao hơn bình thường, cho mặc quần áo, hớt tóc, chải chuốt cho đẹp…ăn uống có khi còn sang hơn, bổ hơn cả dân nghèo ở những nước nhược tiểu chậm tiến; chết có đám tang, có người sụt sùi khóc thương, được chôn cất cẩn thận tại nghĩa trang đặc biệt dành cho thú vật. Ở Hoa Kỳ còn có hội bảo vệ súc vật. Người nào bạo hành súc vật, bỏ đói chúng có thể bị tòa xử phạt tiền hoặc ngồi tù. Nhưng ở những nước nghèo đói đang phát triển như Việt Nam, hoàn cảnh súc vật thì khác hẳn. Dĩ nhiên súc vật không được đối sử trang trọng như vậy, không có chuyện chó chết được chủ khóc thương, được chôn trong một nghĩa trang riêng.

Đó là chuyện súc vật, chuyện chó, còn chuyện người thì sao? Người ta đối xử với nhau có khi không được như súc vật, trái lại còn thâm hiểm ác độc hơn. Hãy nhìn vào các nước cộng sản, chế độ lao tù cộng sản, trại tập trung cải tạo của cộng sản, cuộc đấu tố cải cách ruộng đất ở miền Bắc 1949-1956 và mồ chôn tập thể ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968.

Con người đã nhân hóa vũ trụ, nhân hóa cả súc vật nhưng lại vật hóa chính con người, đồng hương đồng loại với mình. Vì vậy mới có những cuộc cách mạng, những phong trào đòi hỏi độc lập tự do, đòi hỏi nhân quyền, trả lại con người những gì của con người.

Với đà tiến vượt bực của khoa học kỹ thuật hiện đại, người ta có thể làm được tất cả mọi sự trừ linh hồn. Nói đến linh hồn là đụng tới vấn đề tôn giáo. Xin để dành cho một bài khác. Nói về con người, cả triết học lẫn khoa học đều phân biệt bản thể và bản chất hay bản tính. Bản thể thì quá rõ ràng ai cũng nhận thấy. Nhưng bản chất/bản tính thì quả là phức tạp và nhiêu khê. Nó biến hóa vô lường và vô biên. Không kể bản chất bình thường và cụ thể như chuyện ăn, ngủ, làm tình, vật lộn với ngoại cảnh và đồng loại, cả với súc vật để mưu sinh, con người còn có khát vọng vươn lên những gì cao quí hơn như nhân quyền, dân quyền, nhân bản, tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng…mà tột đỉnh là Chân-Thiện-Mỹ.

Đã có khát vọng đi lên tất nhiên phải có dục vọng đi xuống. Nhưng khát vọng và dục vọng ở đâu mà ra? Thưa ở ngay trong con người khi vừa mới chào đời, cũng như những tư tưởng, kiến thức và khoa học kỹ thuật, chúng luôn luôn đi song hành đâu đó ở trong con người. Thắc mắc cái nào đi trước, cái nào đi sau là ám tàng nghĩ rằng hai đối tượng đó nằm ở hai phạm vi khác biệt. Thực ra chúng luôn luôn liên kết với nhau là một. Nếu thắc mắc tại sao có người có ít tham vọng có người có nhiều là chẳng qua mức độ nhận thức và khám phá ra những khát vọng của mình ở những mức độ khác nhau mà thôi. Tương tự như vấn đề khoa học kỹ thuật, tất cả mọi sự đều có sẵn trong trời đất, nhưng trí con người chưa đạt mức sắc bén đủ để có thể khám phá ra chúng. Khi khoa học kỹ thuật tiến bộ là lúc trí óc con người đã thông minh đủ để tìm ra được những điều gọi là mới lạ chưa ai biết. Vì vậy ta chỉ có thể nói ta “KHÁM PHÁ” ra cái này điều nọ chứ không nên nói là ta “PHÁT MINH” hay “SÁNG CHẾ” ra. Do đó vấn đề huấn luyện, rèn tập để trí con người biết nhận thức, khám phá ra được những ‘bản chất’ người của mình là điều tối quan trọng. Nhân Quyền, Nhân Bản, Tự Do, Dân Chủ, Bình Đẳng, Chân Thiện Mỹ chính là bản chất và ước vọng của loài người. Khoa học kỹ thuật là một khía cạnh, một diện của bản chất và kiến thức con người.

Cho dù khoa học kỹ thuật có thể biến đổi con người bằng cách biến chế ra một loại gene đặc biệt hay cài cấy những ly ti điện toán vào trong con người để làm cho con người thông minh hơn hoặc tối dạ đi thì con người ấy dù sao đi nữa cũng vẫn là con người, thành thử thiết nghĩ chúng ta không thể đối xử với những con người này khác biệt với người nguyên chất. Riêng con người clone, nếu ai đó dám làm ra, thì vấn đề linh hồn lại phải được đặt ra, và đây quả là vấn nạn nhiêu khê khó khăn vô cùng cho chính quyền, các nhà lập pháp, nhất là tôn giáo. Con người clone có linh hồn hay không sẽ là mấu chốt, chìa khóa mở cửa cho các giải đáp cho cả chính quyền lẫn tôn giáo. Nhưng cho đến giờ , con vật clone -qua những thử nghiệm- cũng vẫn chưa có một bản thể và đời sống (life) bình thường như con vật mẹ nguyên chất, chẳng hạn con cừu Dolly già rất nhanh, chỉ sống được chừng 5 năm (July 5, 1996 – Feb.14, 2003).

Trên đây -thiển nghĩ- chỉ là  những suy tư vụn vặt. Xin quí vị trưởng thượng, các bậc đàn anh, bạn bè thân hữu, độc giả, đặc biệt những vị lãnh đạo tinh thần, tôn giáo chia sẻ, đóng góp ý kiến chỉ giáo để vấn đề được sáng tỏ hơn. Người viết chấp nhận mọi ý kiến, nhất là những ý kiến trái ngược để chúng ta cùng nhau hội thoại.

Nguyễn Tiến Cảnh
Fleming Island, Florida
February 02, 2016

(1) Con khỉ Cloning này là kết quả nghiên cứu clone  đầu tiên do Giáo sư Gerald Schatten hướng dẫn tại Trung Tâm Nghiên Cứu Động Vật Linh Trưởng Quốc gia tại Beaverton, HK  (The Origon Regional Primate Research Center in Beaverton, US).

(2) Việc làm ra con người clone bị thế giới kết án. Năm 2015 có 70 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Vatican cấm thực hành việc này. Ngoài ta theo viện nghiên cứu quốc gia về genes người tại Mỹ thì chưa có bằng chứng khoa học nào đáng tin cậy cho thấy bất cứ ai có thể tạo ra được nhân bản vô tính phôi người được...



No comments:

Post a Comment