Lac Viet Humanistic Culture

Monday, December 29, 2014

NGÔ ĐÌNH VẬN - CÂU CHUYỆN NHẠC TRUYỀN THỐNG / MỘT MÙA "SÁO NẠN"


Một mùa “Sáo Nạn”

Trong lịch sử Dân Nhạc VN kể từ thời nhà Lý 1025 tức là khi Vua Lý Thái Tổ đặt ra chức Quản Giáp cho giới ca nhạc tới ngày nay, chưa có thời kỳ nào nhạc Truyền Thống Dân Tộc đã và còn đang bị đánh phá một cách tàn bạo như hiện nay vì đường lối của Cộng Sản Việt Nam.

Nếu ví nhạc Truyền Thống Dân Tộc VN là loài sáo thì dưới thời Cộng Sản cai trị chính là một mùa “Sáo Nạn”, loài sáo đã bị hành hạ đến trụi lông, gãy cánh , què chân và nếu may mắn “sổ lồng” thì cũng khó “nhảy chân sáo” mà hót, mà bay được.

Phải nói rõ thủ phạm bạo hành “loài sáo” nhạc Truyền Thống Dân Tộc là ông Hồ Chí Minh và Đảng CSVN, Hồ Chí Minh, kẻ tự hào là “đệ tử trung thành của Marx-Lenin” theo triết gia Pháp Jean Francois Revel thì “Hồ Chí Minh là một trong những người thực hiện khắt khe nhất phương pháp mà chủ nghĩa Cộng Sản đã dùng trong suốt thế kỷ 20.”

Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Những Chặng Đường Lịch Sử” trang 687 thì viết “Kỷ nguyên mới của loài người đã bắt đầu với Cách Mạng Tháng Mười Nga vĩ đại; Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) là người dân thuộc địa đã sớm tìm ra con đường cứu nước trong thời đại mới là con đường cách mạng vô sản, con đường của chủ nghĩa Lê-nin.”

Từ năm 1923, Hồ Chí Minh đã theo phe Cộng Sản Zinoviev để chống lại phe CS Trostky, vì vậy khi là nhân viên của cơ quan Viễn Đông Vụ Liên Sô (cơ quan tình báo) sang hoạt động tại Trung Hoa, Hồ Chí Minh đã thực hiện đúng theo đường lối của cơ quan này là tận diệt các phe phái quốc gia không nằm trong tổ chức Cộng Sản.

Điển hình nhất cho việc hãm hại các lãnh tụ quốc gia uy tín là vụ Hồ Chí Minh thông đồng với Nguyễn Công Viễn báo cho Mật Thám Pháp bắt chí sĩ Phan Bội Châu tháng 6 năm 1925 để lấy tiền, theo học giả Hoàng Văn Chí số tiền là 100 ngàn Đông Dương nhưng theo tác giả J.Buttinger là 150 ngàn đồng.

Từ năm 1933 ông Hồ Chí Minh đã phải chấp nhận cảnh “cá chậu, chim lồng” trong cá lồng thép của CS quốc tế mà tác giả Tưởng Vĩnh Kinh của cuốn Hồ Chí Minh tại Trung Hoa đã viết “từ năm 1933 đến 1938 ông Hồ ở hẳn Mạc Tư Khoa và bị cưỡng bách học tập.”

Nguyễn Khánh Toàn, cựu Bộ Trưởng Giáo Dục VC cũng viết “thời kỳ này có nhiều đồng chí người Việt Nam ở Mạc Tư Khoa nhưng không ai biết Hồ Chủ Tịch đã tới Liên Sô. Chỉ có tại Viện Nghiên Cứu Chủ nghĩa Thực Dân và các vấn đề dân thuộc địa là một nữ đồng chí bí thư, vì có trách nhiệm tiếp xúc, liên lạc với các đồng chí nên biết được việc này thôi. Nữ đồng chí đặc trách tiểu tổ VN vốn là một cán bộ quốc tế Cộng sản. Mấy ngày sau bất ngờ trên đường phố, tôi mới được gặp Hồ Chủ Tịch, nhưng vì tổ chức chưa có giới thiệu chính thức nên tôi không dám gọi, lại thêm mấy hôm nữa, chúng tôi mới được chính thức hội kiến.”

Vào giai đoạn đó chính là lúc Stalin ra tay giết hại trên 10 triệu dân Ukraine, 1/4 dân số của dân tộc này vì dân Ukraine đã gây trở ngại cho cuộc Cách Mạng vô sản để tiến lên một thế giới Đại Đồng.

Về Truyền Thống Dân Tộc theo quan niệm của Lenin thì chỉ có Truyền Thống Cách Mạng kể từ Marx-Angels là đáng kể những gì cũ hơn thì chỉ là tàn tích của các chế độ Quân Chủ, Phong Kiến thối nát.

Dân Tộc thì là một trở ngại lớn cho Cách Mạng và vì thế Stalin đã thẳng tay tiêu diệt các dân tộc Kratchai, Kalmouks, Tchetchene, Irgouche, Banca, Ukraine từ 1943 đến 1944 theo như Tờ Trình Bí Mật của Krutchev về Stalin được nói lên trong Hội Nghị lần thứ 20 của Cộng Đảng Liên Sô vào năm 1956.

Ở thời kỳ đầu của Đảng CSVN, ông Hồ Chí Minh đang có nhu cầu cạnh tranh với các “đồng chí” đối thủ VN và cả các “đồng chí” thuộc các nước nhược tiểu khác để được sự tín nhiệm của Stalin thì người ta không ngạc nhiên gì khi thấy ông Hồ Chí Minh đã triệt để áp dụng đường lối “Cách mạng bạo lực” rất sắt máu của Stalin ở Việt Nam.

Trong thời kỳ này, Hồ Chí Minh mới chỉ có “Đạo Đức Cách Mạng” thôi, tức là “triệt để trung thành với Marx-Lenin,” đẩy mạnh “Kách Mạng” theo đường lối của Stalin để đưa cả dân tộc Việt Nam tiến lên “một thế giới đại đồng, vô sản chuyên chính.”

Về mặt “quản lý” văn hóa, ông Hồ Chí Minh đã giao cho Trường Chinh, Tố Hữu là những kẻ chỉ muốn làm “Kách Mạng” mau chóng, muốn đưa tất cả các Văn Nghệ Sĩ vào cái lồng của Đảng để phục vụ cho “Kách Mạng”.

Hồi ký của Nhạc sĩ Phạm Duy ghi rõ trong Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân vào năm 1950 tại Yên Giả, “Chủ tịch đoàn đưa ra một đường lối gọi là “Văn nghệ Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa”. Mục đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sang tác. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính) là biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ báo cáo đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho quan khách biết. Các quan khách đó là ai? Đó là một số cố vấn Liên Sô, Trung Cộng và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ…”

Vẫn theo Hồi ký của Phạm Duy thì “Tố Hữu đã chỉ huy xong sự khai trừ bài Vọng Cổ, đi tới phán quyết thứ hai là mạt sát Kịch Thơ.”

Tố Hữu đã bất chấp các ý kiến khác, “lên án Vọng Cổ ủy mị làm mất nước, còn kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn những nhân vật quan liêu.”

Vì quan niệm chỉ huy Văn Hóa, Văn nghệ của Trung Ương Đảng CS như vậy nên người ta không lấy gì làm lạ là ở hầu hết các vùng nông thôn do Việt Minh kiểm soát các tập tục ca hát cổ truyền đều bị dẹp bỏ không vì lý do là tàn tích của phong kiến thối nát thì cũng rơi vào “tội” mê tín dị đoan.

Chẳng hạn như tục lệ hát thờ (Chầu Văn) ở các văn chỉ, đình đám thì phải dẹp vì tàn tích phong kiến, lên đồng với dàn ca nhạc Cung Văn bị cấm vì “mê tín dị đoan.”

Suốt giai đoạn từ 1945 đến 1949, Việt Minh đã ra tay giết hại không biết bao nhiêu người quốc gia yêu nước mà họ coi là đối thủ nguy hại cho Cộng Sản.

Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ, trang 89 ghi rõ “Đối với các đảng phái yêu nước , Việt Minh hoặc công khai thủ tiêu (giải tán Đại Việt, Thanh Niên Ái Quốc v.v…) hoặc dùng biện pháp quân sự (tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Vĩnh Yên, Nghĩa Lộ, Đồng Minh hội ở Tiên Yên, Phục Quốc ở Lạng Sơn…”

Tiếp đó tác giả Nghiêm Kế Tổ viết ở trang 176 “từ 1945, dưới bàn tay của Việt Minh, những phần tử có khuynh hướng quốc gia đều lần lượt bị thủ tiêu với cái nghĩa rộng rãi của nó.”

Trong giai đoạn này những xác chết bị thả xuống sông, trôi dạt thành bè trên sông Hồng đến độ những dân thuyền chài sợ không dám uống nước sông mà phải vào trong các làng mạc lấy nước giếng để dùng.

Ở nông thôn trong các vùng kháng chiến vào những năm 1949 trở đi, Việt Minh đã du nhập các điệu hát múa Nông Tác Vũ của Trung Cộng gọi là Nhảy Son Đố Mì hay bài “dân Liên Sô vui hát trên đồng hoa” và các bài hát “Kách Mạng” khác để thay thế toàn bộ sinh hoạt văn nghệ truyền thống của nông thôn miền Bắc.

Đàn Đáy, Đàn Nguyệt, Đàn Tranh, Nhị… bị dẹp bỏ, bị đem làm củi đun bếp rất nhiều vào giai đoạn “Kách Mạng” này.

Từ 1949 trở đi, tức là kể từ khi Mao Trạch Đông lấy trọn Hoa Lục thì “Bác Đảng” lại có thêm “tư tưởng Mao Trạch Đông” để hướng dẫn theo đường lối Cộng Sản Châu Á dựa vào sách Đông Phương Hồng của “Mao Chủ Tịch.”

Ông Hồ Chí Minh từ chỗ “Đạo Đức Cách Mạng” đã tiến sang thời kỳ “tác phong.” Các cơ quan tuyên truyền của Đảng phải làm chuyện cổ võ cho “nguyên tắc và trật tự mới” là “Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chủ Tịch.”

Ông Hồ Chí Minh đã rất khôn khéo chọn vị thế thứ ba của CS ở vùng Á Châu. Người có “tác phong” về “Kách Mệnh” tức là kẻ đã học tập thấu triệt chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông để đem thực hiện một cách “đúng đắn” theo như sự giải thích của sách vở CSVN.

Tuy thế cái “trật tự” mới này đã biểu lộ rõ ràng trở ngại to lớn của mục tiêu “một thế giới Đại Đồng vô sản chuyên chính,” biến mục tiêu này thành ảo tưởng vì chưa tiến tới đại đồng đã vỡ thành hai phe CS Nga và CS Tầu.

Tới năm 1953 khi nhà độc tài Joseph Stalin qua đời, Tố Hữu dịp này đã làm một bài thơ tiếc thương mang tựa là “Đời đời nhớ ông” với những câu như sau:

“Stalin! Stalin
“Yêu biết mấy, nghe con tập nói!
“tiếng đầu lòng con gọi Stalin…”

Để rồi ai oán khóc than:

“thương cha, thương mẹ, thương chồng,
“thương mình thương một, thương ông thương mười,
“Yêu con, yêu nước, yêu nòi
“Yêu bao nhiêu lại yêu người bấy nhiêu…”

Ông Hồ Chí Minh cũng là kẻ rất ưa phô diễn “tác phong Cách Mạng”, ông ta đã thường ôm hôn các cán bộ CS theo tập tục của Liên Sô. Nhiều lần trong các buổi hòa nhạc liên hoan, ông Hồ đã dành lấy vai trò nhạc trưởng để điều khiển toàn ban ca nhạc hát bài “Kết Đoàn” của Trung Cộng với các lời lẽ như sau:

“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh.
Kết đoàn chúng ta là sắt gang,
Mà sắt với gang còn kém bền vững.
Chúng ta thề phá tan quân thù
Thực dân, đế quốc sài lang
Với phe phản động ta đập tan hoang…”

Bức hình chụp ông đóng vai nhạc trưởng sau này được Nhà Nước CSVN dùng để in một con tem cho ngành Bưu Điện.

Tới thời kỳ 1954 đến 1956, là thời kỳ “Bác Đảng” đã gây ra một cuộc giết chóc đẫm máu nhất tại nông thôn miền Bắc qua “chính sách cải cách ruộng đất.”

Theo tài liệu của Giáo sư Lâm Thanh Liêm, nguyên Trưởng Ban Địa Lý thuộc Đại Học Văn Khoa Saigon thì “qua năm cuộc cải cách ruộng đất kế tiếp nhau đã làm cho nông dân miền Bắc đẫm máu…” Giáo sư Liêm viết tiếp “các chuyên viên nghiên cứu ước tính đã có khoảng từ 120,000 đến 200,000 người đã bị giết oan và hàng chục ngàn người khác đã bị đày đi các trại cải tạo.”  Sau cuộc cải cách “bạo lực” này, Đảng CSVN thấy có nhiều khuyết điểm làm nông dân bất mãn, nên Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho Trường Chinh đứng ra nhận lỗi. Nhưng Trường Chinh đã đổ vạ việc sai lầm ấy là do các cán bộ địa phương làm quá chứ Đảng và Nhà Nước không hề sai lầm trong đường lối chính sách.

Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước” nơi trang 45 thì viết rằng “Tuy cải cách ruộng đất có mắc phải sai lầm, nhưng sai lầm chỉ là bộ phận, là thứ yếu…”

Sau đó Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh “Thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến là một chủ trương chính xác của Đảng ta, một chủ trương có tính cách sáng tạo.”

Hậu quả của vụ thảm sát này đã khiến cho môi trường sinh hoạt của loài sáo dân nhạc VN là nông thôn biến thành “Đất Dữ.”

Ca dao Việt Nam nói “Đất lành chim đậu”, đất không còn lành nữa, nông dân bỏ ruộng đi kiếm các nghề sinh sống khác. Nông thôn miền Bắc qua cuộc cải cách ruộng đất và sau này được đưa vào tập thể thì miền Bắc không còn nông dân chuyên nghiệp theo cảnh:

“Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa…”

Tới cuối năm 1959 đến đầu 1960, “Bác Đảng” đã phát động chiến dịch “Đồng Khởi” để gây chiến tranh thôn tính miền Nam thì lúc đó cả miền Bắc biến thành hậu phương cung cấp người và của cho cuộc chiến tranh mới.

Nông thôn miền Bắc kể từ 1960 trở đi đã chỉ còn một vế của lối hát đối tức là phe nữ mà thôi. Vế đáp là phe Nam giới đã “được” vận động để lên đường chiến đấu, miền Bắc xảy ra nạn “gái thừa trai thiếu”, ca dao VN có câu:

“Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó.”

Sức trai đã được điều động vào con đường xâm nhập mang tên đường mòn Hồ Chí Minh để cung ứng cho các trận đánh biển người ở Nam Bộ thì nữ giới miền Bắc đương nhiên biến thành những cọng thài lài tong teo, cằn cỗi, sống dập dờn ở ven ruộng, bờ ao là điều không thể tránh được.

Trong giai đoạn chiến tranh được gọi là “Chống Mỹ Cứu Nước”, ông Hồ Chí Minh cũng đóng góp vào việc cải biên dân nhạc.

Chẳng hạn ông Hồ đã lấy câu ca dao:

“Còn non, còn nước, còn trời,
Còn cô bán rượu anh thời say sưa…”

Để cải biên thành ca dao chống Mỹ như sau:

“Còn non, còn nước, còn người
Đánh thắng giặc Mỹ ta thời xây dựng gấp mười năm xưa.”

Ở trong cả một tình huống khổ cực như thế, miền Bắc còn gì là ca hát ngoại trừ tiếng “sáo hót trong lồng” để ca ngợi chủ nghĩa, tôn vinh Cách Mạng mà lãnh đạo chính là “Bác Đảng.” “Nhạc Đảng” đã đại diện cho toàn thể Nhân Dân, các cán bộ văn hóa của Đảng đã thay thế mọi sự lên tiếng của quần chúng, gạt bỏ nghệ sĩ dân gian ra ngoài.

Nhạc của miền Bắc vì thế đã bị lai Nga, lai Tầu, lai Hung… là điều đương nhiên. Trong giai đoạn mở rộng chiến tranh xâm lược vô miền Nam VN này, ông Hồ Chí Minh có nuôi chim nhưng không hiểu việc nuôi nấng này ra sao mà nhà thơ Bút Tre đã tức cảnh sinh tình làm thơ vịnh chim với hai câu rằng:

“Bác Hồ có một con chim
Nhờ bà Thị Định đi tìm cái lông.” (cái lồng).

Nhà thơ Bút Tre tự nhận là người làm thơ dở nhất, ngang phè nhưng biệt tài của ông lại là từ chỗ dở ấy người ta tìm ra được những điều mỉa mai, gai góc, ông đã đặt bẫy một cách tài tình để chơi trò “vuốt râu hùm, mó dái ngựa.”

Một chuyện khác đáng ghi nhận là miền Bắc rất “tự hào” vì không còn nạn ăn mày nữa. Nhưng dư luận từ dân chúng đã trả lời cho Nhà Nước rằng “toàn dân đã trở thành bần cùng cả rồi thì có đi ăn mày nữa cũng chẳng ai có gì mà cho.”

Đường lối “quản lý” lương thực, nhu yếu phẩm theo chế độ “nhân khẩu” của Nhà Nước CSVN rất khắc nghiệt vì thế trong dân chúng đã có câu ca dao:

“Một năm ba thước vải sô,
làm sao che nổi Bác Hồ đây em.”

Nhạc sĩ Phạm Duy sau này đã phổ nhạc câu trên và đặt ở phần “Ca dao thời Hồ” trong tập Ngàn Lời Ca.

Kết quả của sự “tự hào” này là ngành Hát Xẩm đã không còn đất để sống, cách chơi và những cây đàn bầu của nghề Hát Xẩm bị trôi vào lãng quên.

Năm 1969 thì ông Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà Nước VC đã làm những bài điếu văn thương tiếc, ca tụng “sự nghiệp” của ông, bên cạnh những tiếng khóc đồng điệu đó, nhà thơ Bút Tre lại một lần nữa làm hai câu thơ thảm thiết rất lạc điệu là:

“Tin đâu như sét đánh ngang
Bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần”

Cái thâm hiểm của ông Bút Tre nó nằm ở chỗ dở nhất, hai chữ chuyển sang nghe rất ép uổng, nhưng lại hàm ý rằng đây là cái chết thình lình, bất đắc kỳ tử mà phong tục VN vốn coi là điều gỡ dành cho những kẻ độc ác.

Sau khi xác của ông Hồ được Đảng CSVN nhờ Liên Sô ướp để đưa vào đặt ở trong Lăng thì Bút Tre lại ca ngợi tinh thần “kính cẩn” của phụ nữ với Bác của Đảng bằng 2 câu thơ:

“Vào thăm Lăng Bác âm u,
Chị em phụ nữ giở mũ ra chào.”

Phải cẩn thận khi đọc chữ mũ với dấu ngã cho dù có lạc vận cũng đành chứ không thì dị quá.

Trên cả cái tài làm thơ hay ở chỗ rất dở để “vuốt râu hùm” này, nhà thơ Bút Tre đã lách được các sự thanh trừng hay bị xếp vào loại “phản động” đó là điều kỳ lạ chưa ai tìm được nguyên do.

Tới năm 1975 khi miền Bắc đã chiếm được miền Nam rồi thì các đường lối, chính sách của Nhà Nước CS đã áp dụng ở miền Bắc được đưa vô thực hiện ở miền Nam theo khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh lên Xã Hội Chủ Nghĩa.” Nhưng thực tế xảy ra thì lại khác, các cán bộ CS được “chi viện” cho miền Nam để nắm trọn guồng máy lãnh đạo đã chỉ thích thú các sản phẩm Văn Hóa  của miền Nam mà thôi mặc dù Đảng gay gắt lên án và thẳng tay dán cho tất cả mọi sản phẩm Văn Hóa miền Nam là “đồi trụy”. Ở khắp nơi tại miền Nam vào các năm từ 1976 đến 1977 Nhà Nước đã cho Du kích, Công an đi tịch thu mọi loại văn hóa “ngụy” để tiêu hủy.

Có vùng thì tổ chức đốt sách vở “đồi trụy”, có nơi thì lập đám ma, thu hết sách vở “đồi trụy” bỏ vào những chiếc quan tài đem đi chôn.

Những bộ sách quý mang tên tác giả Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi… những sách dịch trong loại “học làm người” đều chịu chung số phận “đồi trụy” đưa đi chôn.

Tuy nhiên đường lối của Nhà Nước CSVN đã có nhiều sơ hở, mà cái sơ hở nhất là để cho các cán bộ Miền Bắc đưọc quyền “nghiên cứu tội ác Mỹ Ngụy.” Phần lớn các cán bộ Miền Bắc đều thích “nghiên cứu” cái phần “tội ác đồi trụy” lắm, vì thế ở nhiều nơi chính du kích lại là những kẻ hành nghề bốc mả “đồi trụy” lên, tức là đào trộm sách, băng nhạc vàng để cung cấp cho Cán Bộ, Bộ Đội đem về Miền Bắc làm quà “nghiên cứu” cho bà con. Hiện tượng trên đã khiến cho những gì gọi là Truyền Thống Dân Tộc  còn lẫn lộn trong mớ sản phẩm “đồi trụy” có cơ hội sống sót và quảng bá rộng hơn, mặc dù Nhà Nước CS vẫn triệt để tiêu diệt “tội ác Mỹ Ngụy.”

Kể từ 1977, CSVN gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc, sau đó vì muốn tham gia vào các cơ cấu của Liên Hiệp Quốc và thế giới bên ngoài khối CS trong đó có tổ chức Nhạc Truyển Thống Dân Tộc Thế Giới thì CSVN mới tích cực đi tìm Truyền Thống Dân Tộc ngoài cái Truyền Thống Marx-Engels. Thế nhưng khi muốn gia nhập tổ chức này thì phải hội đủ các điều kiện tối thiểu về sự định nghĩa, phẩm chất, tiêu chuẩn và nguyên tắc chung. Nhà nưóc CSVN ở nhu cầu này đã đành phải chỉ cái kho tàng “cải biên dân nhạc” mà họ đã khởi đầu làm “Kách Mạng” từ cuối thập niên 40 đầu 50 kế tiếp về sau này để bảo đó là “nhạc Truyền Thống Dân Tộc,” vì những gì là Truyền Thống đã bị loại bỏ.

Đây chính là sự sai lầm tai hại vì không ai lại chỉ những món tân tạo mà bảo rằng đó là đồ cổ cả.

Cái dữ kiện mà nhạc sĩ cổ nhạc Lữ Liên đã kể lại về việc cải biên dân  nhạc của ông Nguyễn Xuân Khoát cũng chỉ là một sự kiện nổi, giản lược mà thôi. Có cải biên dân nhạc cũng vẫn không sao cả, dùng ký âm pháp Tây Phương để ghi lại dân ca VN trong mục đích quảng bá rằng dân ca VN có nhiều làn điệu hay lạ, đây là cách chơi mới làm phong phú hơn cho nhạc truyền Thống Dân Tộc thì vẫn không có gì đáng trách. Từ lâu rồi các nghệ sĩ Tây Âu đã dùng dân nhạc của chính xứ sở họ làm nguồn hứng khởi, làm nhạc đề viết ra các khúc nhạc mới có sao đâu. Tchaikovsky của Nga Sô đã từng dùng nguyên một khúc nhạc Hát Xẩm để đưa vào tấu khúc Andante Cantabile, Brahms đã đem làn điệu của nước ông vào các tác phẩm Hungarian Dances, ngoài ra còn Chopin, Franz, Listz, Grieg, Mahler v.v… Ở Việt nam có nhiều nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy… cũng dựa vào cái gồc dân nhạc để sáng tác các ca khúc mới thì có sao đâu.

Nhạc sĩ Phạm Duy, trong hồi ký của ông nói rõ, ông đã nghiên cứu Ương ca của Trung Cộng, dựa vào dân ca Việt Nam để viết ra những bản dân ca mới làm cho dân nhạc phong phú như một sự trở mình bừng dậy. Trong một buổi tiếp xúc với chúng tôi tại tư thất của ông vào tháng ba năm 1994 tại thị trấn Midway, California, nhạc sĩ Phạm Duy đã nói “tôi ôm lấy cái cuống rốn dân tộc là dân nhạc VN để sáng tác những bài dân ca mới và vì thế các làn điệu dân nhạc luôn thấy trong các tác phẩm của tôi”.

Trả lời câu hỏi rằng “có dư luận nói là ông lấy dân nhạc đưa vào các tác phẩm của ông nhiều lắm ông nghĩ sao?” Nhạc sĩ Phạm Duy đáp “đúng, tôi lấy dân nhạc nhiều lắm, nhưng cái cách lấy của tôi giống như người ta lấy một hạt lúa để làm lên cả một cánh đồng, việc lấy dân ca của tôi có thể chỉ có Nhạc sĩ Trần Văn Khê hiểu được.”

Do đó việc cải biên dân nhạc vẫn không có chi là sai trái, gây tác hại cho ngành nhạc Truyền Thống Dân Tộc Việt Nam.

Tuy vậy cái mục Nhạc Dân Tộc Cải Biên Việt Nam do các người lãnh đạo Văn Hóa của Việt Cộng chủ trương thì lại khác. Sự cải biên kể từ việc mở đầu của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã kéo theo cả một phong trào cải biên tiếp tục từ cuối thập niên 40 đến nay với chủ đích làm cả “Cách Mạng” cho Truyền Thống, “Cách Mạng cho lịch sử” thì đây mới là sự tai hại vì đã tróc nã loài sáo nhạc Truyền Thống Dân Tộc rồi thì còn tìm đâu ra những nét đặc thù của Truyền Thống Dân Tộc VN nữa.

Trong thực tế mấy chữ Nhạc Truyền Thống Dân Tộc cũng chỉ được nhắc tới từ thời Lê Duẩn vì nhu cầu của Đảng, cũng như tư tưởng của ông Hồ Chí Minh, cũng chỉ được Đảng CSVN đẻ ra kể từ năm 1979, trong mục đích chứng tỏ rằng Đảng CSVN không còn chịu ảnh hưởng  bởi tư tưỏng Mao Trạch Đông nữa mà “hạ quyết tâm” đi theo đưòng lối của Liên Sô.

Tóm lại ngành nhạc Truyền Thống Dân Tộc Việt Nam đã bị đánh phá liên tục vì các nhu cầu ngắn hạn của Đảng CSVN nhưng nó không đi ra ngoài mục tiêu bảo vệ quyền lực cũng như sự sinh tồn của tập đoàn cầm quyền Hà Nội.

Ở Trung Hoa đã có một thời gian Mao Trạch Đông lên án chim trời là loài động vật ăn cắp thóc lúa của nông dân. Ông ta ra lệnh cho cả nước tận diệt “đồ ăn cắp,” chim bị giết hàng triệu con, những con may mắn “cao bay, xa chạy” đã tìm đất lành mà đậu.

Đồng lúa trên của nước Trung Hoa sau đó đã bị mất mùa vì nạn sâu rầy, lúc đó Mao Trạch Đông mới biết rằng chim trời đã giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp.

Mao hạ lệnh cho cả nước chiêu dụ chim về nhưng đàn chim tan tác trở về rất ít, về rồi thì còn phải đẻ nữa, vì thế cả nước Trung Hoa đã gặp nạn đói qua mấy mùa sau.

Do đó tàn hại loài sáo là nhạc Truyền Thống Dân Tộc rồi thì bây giờ tìm kiếm lại là cả một vấn đề rắc rối cho giai đoạn “Đổi Mới” của Đảng CSVN.

Ngô Đình Vận
Santa Ana, California 1994


(Còn Tiếp)




No comments:

Post a Comment