Lac Viet Humanistic Culture

Monday, December 15, 2014

NGÔ ĐÌNH VẬN - TẠP LUẬN 3: ĐẠO "QUÂN TỬ" KIỂU KHỔNG GÂY HỌA CHO ĐỜI SAU


Khổng Tử là một người say mê chính trị, ông có tham vọng lớn là làm thầy của một trong Ngũ Bá đời Xuân Thu để phục hồi Vương Nghiệp nhà Chu.

          Khổng Tử thu nhận một số học trò đào tạo để trở thành những người được gọi là tài đức, tức là lập một giai cấp mới trong xã hội được gọi là Sĩ Phu (Kẻ Sĩ).

          Khổng Tử “trồng người” như vậy với tham vọng học trò của ông sẽ ra làm quan và còn có thể tiến tới vị thế trị quốc, bình thiên hạ nữa.

          Những mưu mô của Khổng Tử nhằm khôi phục cơ nghiệp nhà Chu đã bị quan Lệnh Doãn nước Sở là Tử Tây nhìn rõ; Sở Chiêu Vương định phong đất cho Khổng Tử nhưng Tử Tây ngăn cản nên vua Sở đã dẹp chuyện cắt đất cho Khổng Tử.

          Sách Khổng Tử của Nguyễn Hiến Lê trang 70 ghi lời can gián của Tử Tây với vua Sở rằng: “Khổng Khâu chỉ muốn lập lại chế độ Tam Vương, làm sang cơ nghiệp Chu Công, Thiệu Công nếu ông ta hành được cái đạo của ông thì đất của nhà vua còn được vuông ngàn dặm như bây giờ đời này qua đời khác không?”.

          Về tham vọng “trồng người” của Khổng Tử được ghi rõ trong Luận Ngữ trang 103 do Nguyễn Hiến Lê dịch: “Khổng Tử nói: anh Ung có thể làm vua được. Trọng Cung (tức Nhiễm Ung) hỏi Tử Tang Bá Tử ra sao? Khổng Tử đáp: cũng được (hoặc cũng khá), giản dị”.

          Khổng Tử chú trọng đặc biệt vào cái Học, vậy thì Khổng Tử đã học thế nào và học những gì?

          Sử gia Hồ Thích viết rằng “Cái học của Khổng Tử chỉ là đọc sách, chỉ là thứ học vấn tìm được trên văn tự mà thôi. Vì thế trong hàng đệ tử của ngài, nhiều bậc có hào khí đều không lấy làm bằng lòng với cái học đó.

          Ta xem Tử Lộ bác Khổng Tử về điểm này như sau: Cai trị bá tánh và sĩ nhân, lo việc cúng tế Thần Đất Đai, Thần Mùa Màng, cần chi phải đọc thơ, phải có sẵn học thức? Tử Lộ nói câu này Khổng Tử không bác lại được, chỉ mắng Tử Lộ là nịnh giả mà thôi”.

Thời Xuân Thu nơi cúng tế Thần Đất gọi là Xã, Thần Mùa Màng gọi là Tắc, Tắc là tên một loại lúa, gom Xã Tắc lại là chỉ việc quốc gia đại sự.

          Các sách mà Khổng Tử thường nói tới là Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch. Với lối đọc sách rồi suy luận ra để mà dạy học trò, Khổng Tử nổi tiếng là người hay chữ, biết nhiều. Sách Lịch Sử Triết Học Phương Đông của Nguyễn Đăng Thục trang 210 ghi: “Trong khi ngài ở nước Tề, vua nước Tề là Tề Cảnh Công có hỏi ngài về chính sự, ngài trả lời: Vua hết đạo vua, tôi hết đạo tôi, cha hết đạo cha, con hết đạo con… “.

          Vua Tề muốn phong đất Ni Khê cho khổng Tử nhưng quan Đại phu nước Tề là Án Anh đã can đại ý rằng: “Những Nho sĩ hay nói nhiều, không thể làm gương cho dân được. Họ kiêu ngạo và ích kỷ, không thể làm được hạng phần tử tốt. Chủ nghĩa của họ không nên áp dụng vào việc trị dân, bởi vì họ cho Tang lễ có một giá trị quá quan trọng, là cho các Tang gia bị khánh kiệt vì hao phí vào việc chôn cất người chết. Họ là hạng lãnh đạo không xứng đáng vì họ hay đi truyền giáo ăn chay và hành khất…”.

          Lời chê bai của Án Anh đối với Nho đoàn Ấp Trâu của Khổng Tử được viết rất chi tiết trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên.

          Về việc Học Khổng Tử chủ trương tóm tắt là phải Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ. Muốn tiến bộ trên con đường học vấn thì phải nhắm tới một mẫu người siêu phàm là “Quân tử”.

          Sự hiểu rộng của Khổng Tử có Đại phu nước Vệ là Công Tôn Triều thắc mắc rằng không biết Khổng Tử học ai mà giỏi như vậy. Sách Luận Ngữ 318 ghi truyện rằng: “Công Tôn Triều (Đại phu nước Vệ) hỏi Tử Cống: Ông Trọng Ni học với ai? Tử Cống đáp: Đạo của vua Văn, vua Võ (nhà Chu) chưa mất, còn có người bảo tồn được. Người hiền ghi được những điều trọng đại, người bất hiền nhớ được những điều nhỏ nhặt, không có đạo của vua Văn, vua Võ, thầy tôi gặp đâu mà không học, hà tất phải riêng một thầy nào”.

          Tuy thế ngay từ thời đó cũng có người chê Khổng Tử, Luận Ngữ trang 319 ghi: “Thúc Tôn Võ Thúc chê Trọng Ni. Tử Cống nói: Đừng nên làm vậy. Thầy Trọng Ni không thể hủy báng được. Tài đức của người khác cao như cái gò, cái đống, còn có thể vượt qua được. Tài đức của thầy Trọng Ni ở trên cao như mặt trời, mặt trăng không làm sao vượt được. Người ta dù muốn tự cách tuyệt (mà hủy báng) thì có hại gì cho mặt trời mặt trăng đâu! Chỉ tỏ rằng mình không biết lượng cao thấp thôi.”.

          Lời nói của Tử Cống lấn cấn quá vì đã biết thầy Khổng cao vòi vọi không hề hấn gì sao Tử Cống còn chặn miệng kẻ chê bai làm gì?

          Để khỏi lầm lẫn trong cái học, Khổng Tử đề ra phương pháp Chính danh, nhưng sử gia Hồ Thích thì viết rằng vào lúc Khổng Tử tới Lạc Ấp kinh đô của nhà Chu để học về Lễ, Nhạc thì ông đã gặp Lão Tử, lúc đó Lão Tử đang làm việc trông coi kho sách ở đây. Khổng Tử lúc đó đang thời trai tráng, ông rất nôn nóng trong việc du thuyết, dạy học. Cũng bởi vậy nên Lão Tử đã khuyên Khổng Tử nên trầm tỉnh lại.

          Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên ghi lời của Lão Tử khuyên Khổng Tử rằng: “Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không ích gì cho ông đâu, tôi chỉ khuyên ông bấy nhiêu thôi.”.

          Một người khác cũng can Khổng Tử là Vi Sinh Mẫn, sách Luận Ngữ trang 245 ghi rằng: “Vi Sinh Mẫn nói với Khổng Tử: Này ông Khâu, sao ông không ở yên mà cứ lăng xăng đi du thuyết như vậy? Ông muốn tỏ cái khẩu tài của ông chăng? Khổng Tử đáp: Tôi đâu dám tỏ khẩu tài, chỉ ghét hạng người ngoan cố thôi”.

          Khổng Tử kéo theo Nho đoàn Ấp Trâu lê lết đi du thuyết khắp nơi nhưng không ăn cái giải gì cả. Nói là du thuyết nhưng thực tế là Khổng Tử đi xin việc không xong khiến chính ông cũng chán ngán mà than rằng: “Chim phượng chẳng đến, bức Đồ chẳng hiện trên sông Hoàng Hà, ta hết hy vọng rồi”. Học trò thì nghi ngờ cái đạo của thầy Khổng khó lòng phổ biến được.
         
Một số vua các nước như Tề, Sở, Vệ… họ nghe Khổng Tử nói chỉ là cách để dò dẫm mưu mô của các đối thủ trong hàng Ngũ Bá mà thôi. Khổng Tử đã rất lầm khi khuyên các vị Bá này trung thành với nhà Chu, một sai lầm khác là Khổng Tử khuyên vua phải ra vua trong khi chính vua nhà Chu ở thời Khổng Tử cũng chẳng còn ra vua nữa, mấy ông vua nhà Chu này chỉ là thứ vua làm vì mà phải cậy nhờ vào thế lực của một trong Ngũ Bá.

          Hơn thế nữa, vua các nước Bá đều lo giữ chặt địa vị để ăn chơi mà Khổng Tử lại khuyên họ “chay tịnh tu thân” thì vua nào mà chịu nổi. Khổng Tử luôn luôn nói với Nho đoàn Ấp Trâu nay đã có trường sở ở Khúc Phụ rằng “Đạo của ta” thế này, “Đạo của ta” thế khác nhưng Khổng Tử không bao giờ nói rõ cái Đạo ấy ra thế nào.

          Sách Luận Ngữ trang 79 ghi rằng: “Khổng Tử nói: Sâm này, đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt cả. Tăng Tử thưa: Dạ. Khổng Tử ra rồi có môn sinh khác hỏi Tăng Tử: Thầy muốn nói gì vậy? Tăng Tử đáp: Đạo của Thầy chỉ có Trung thứ mà thôi”. Cũng sách Luận Ngữ trang 262 viết: “Tử Cống hỏi: Có một chữ nào suốt đời làm theo được không? Khổng Tử đáp: Có lẽ là Thứ chăng? Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.

          Nhiều lần Khổng Tử ra giá đại ý rằng nếu đạo của ta không thực hiện được ở Trung Nguyên với dân Hoa Hạ (gốc Hán) được thì Khổng Tử có thể phải đi giảng đạo đó ở các nơi Di, Rợ.

          Khổng Tử không nói rõ về đạo của ông đến nổi Tử Cống sốt ruột, Luận Ngữ trang 92 ghi: “Tử Cống nói : Công trình nghiên cứu về văn hóa (Thi, Thư, Lễ, Nhạc) của thầy (tức Khổng Tử) thì chúng ta được nghe, còn quan niệm về thiên tính và đạo trời của thầy thì chúng ta không được nghe”. Không thấy câu trả lời nào của Khổng Tử đối với các thắc mắc trong hàng đệ tử.

          Về vấn đề Tín Ngưỡng, Tôn Giáo của Khổng Nho, sách Trung Quốc Triết Học Sử của Hồ Thích (Huỳnh Minh Đức dịch) trang 270 nhận xét như sau:

“Khổng Tử không bao giờ tin quỷ thần. Các đệ tử của ngài phần nhiều cũng không tin quỷ thần. Vì thế Khổng môn không dùng quỷ thần như một sức mạnh để chế tài hành vi đạo đức của con người.

          Dù sao hình thức dùng để kiểm soát mọi hành vi con người cũng không thể thiếu được, họ mới nghĩ đến tình thiêng liêng giữa cha con; Họ cho rằng trong 5 thứ Luân chỉ có tình cha con là thân thiết nồng hậu nhất.

          Nếu trong lòng mọi người lúc nào cũng nghĩ đến cha mẹ, lúc nào cũng lo sợ mình có lỗi với cha mẹ, chắc là họ không bao giờ có hành vi làm điếm nhục đến cha mẹ.

          Chính vì thế mà bậc cha mẹ của Nho Gia được xem có quyền lực ngang hàng với bậc Thượng Đế hay Quỷ Thần của một Tôn Giáo vậy”.

          Nhận xét của sử gia Hồ Thích chỉ đúng trên luận lý triết học nhưng nếu xét trên văn bản thì chúng ta thấy rằng trong Luận Ngữ rất nhiều lần Khổng Tử đã than thở “Trời hại ta chăng”, “Chỉ có trời hiểu ta” rõ ràng nhất là Khổng Tử tin ở Mệnh Trời được ghi ở trang 247 Luận Ngữ: “Khổng Tử nói: Đạo (tôi) mà thi hành được là do mệnh trời, hay bị bỏ phế cũng do mệnh trời”.

          Khi dạy học Khổng Tử luôn đề cập đến đạo “Quân Tử”, sách Luận Ngữ lập đi lập không biết bao nhiêu lần cái đạo quân tử, chẳng hạn ở trang 94 Luận Ngữ viết rằng: “Khổng Tử khen Tử Sản, ông ấy có bồn điều hợp với người quân tử, giữ mình khiêm cung, thờ vua thì kính cẩn, nuôi dân thì có ân huệ, sai dân thì hợp tình hợp lý. Chú thích: Tử Sản tên là Công Tôn Kiều, một đại phu có tài đức của nước Trịnh (sinh trước Khổng ít năm), cầm quyền nước Trịnh 22 năm”.

          Xem như thế chúng ta có thể nghĩ rằng cái đạo của Khổng Tử nêu ra chính là đạo Quân Tử. Thật ra hai chữ “quân tử” đã được nói tới rất nhiều trong Kinh Thi, chẳng hạn như ở các thiên Chu Nam, Thiệu Nam… Tuy nhiên chữ quân tử trong Kinh Thi thường sánh đôi với Thục nữ hay Mỹ nữ, tệ lắm cũng là Nữ tử, Nũ nhi.

          “Quân tử” tới khi Khổng Tử đem ra dạy học trò thì hoàn toàn biến chất; Quân tử mà Khổng Tử nói đã trở thành một mẫu người lý tưởng, đó là cái đích để tiến tới trong việc tu học mà chỉ có Nam nhi mới mong vươn tới được.

          Đạo quân tử của Khổng gạt bỏ nữ nhi ra ngoài, sách Luận Ngữ rất ít nhắc đến nữ giới. Thậm chí khi nói tới phái nữ Khổng Tử đã kỳ thị ra mặt chẳng hạn ông đã gạt bỏ công trạng của bà Ấp Khương vợ của Vũ Vương, trong Chu Dịch khi viết Soán truyện Khổng Tử còn dùng Nữ giới để làm thí dụ chỉ bọn tiểu nhân.

          Về việc mở rộng sự học cho dân chúng, sách Lịch Sử Triết Học Phương Đông trang 225 có ghi lời nhận xét của sử gia Phùng Hữu Lan rằng: “Khổng Tử ở Trung Hoa là người đầu tiên đã lấy sự dạy học là một chuyên nghiệp và như thế đã phổ thong văn hóa và giáo dục cho dân gian. Chính nhờ ông đã mở đường cho các học phái và triết gia du thuyết ở nhiều thế hệ sau”.

          Trọng sự học, đem giáo dục tới cho đại chúng là một điều tốt và cần thiết, tuy nhiên nếu việc giáo dục một học thuyết mà từ căn bản học thuyết đó đã có những sai lầm thì sẽ là cái đại họa cho các đời sau.

          Sử gia Hồ Thích đã phê bình chủ trương “Nhất dĩ quan chi” của Khổng Tử như sau: “Tôi nghĩ rằng Khổng Tử luận tri thức chú trọng nhất dĩ quán chi, chú trọng, suy luận thật ra rất hay; Chỉ đáng tiếc là ngài đem chữ Xem như một thứ học vấn đọc sách mà thôi, sau này mấy nghìn năm giáo dục tại Trung Quốc bị ảnh hưởng học thuyết trên mà đào tạo toàn những chàng thư sinh mục nát. Đó chính là điểm tệ hại của ngài vậy” (TQTHSĐC - HT - HMĐ dịch, trang 230).

          Đọc kỹ ba cuốn Luận Ngữ, Chu Dịch, Xuân Thu chúng ta thấy rõ ba đìều kỳ thị mà Khổng Tử đã dạy trong cái môn “Quân Tử” là: Kỳ thị Chủng tộc, Kỳ thị Giai cấp, Kỳ thị Nam Nữ.

          Cả ba cái đại họa này chúng ta còn thấy hiện đang diễn ra ở Á Châu; Riêng tại Trung Hoa nạn kỳ thị chủng tộc với tư tưởng Đại Hán vẫn tạo ra các bất ổn ở Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông…

          Nạn kỳ thị giai cấp đã gây ra sự chênh lệch giàu nghèo quá độ giữa những quan chức cầm quyền và giới bình dân đây là mối đe dọa đáng sợ trong xã hội Trung Quốc.

          Nạn kỳ thị Nam Nữ đã khiến Trung Hoa rơi vào trình trạng trai thừa gái thiếu mà bây giờ khó lòng giải quyết được.

          Những tư tưởng kỳ thị nói trên nếu Trung Quốc không mau chóng sửa đổi thì cái đất nước to lớn này sẽ vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ khó lường.

Ngô Đình Vận
January 21, 2012
Anaheim, California USA

(còn tiếp)



No comments:

Post a Comment