Wednesday, February 14, 2018

TRẦN NGUYÊN THAO – HANOI “VỖ BÉO ĐỂ THỊT” DÂN: NGÂN HÀNG PHÁ SẢN, CHỈ ĐỀN 75 TRIỆU TIỀN HỒ


HANOI “VỖ BÉO ĐỂ THỊT” DÂN
NGÂN HÀNG PHÁ SẢN, CHỈ ĐỀN 75 TRIỆU TIỀN HỒ

Trẩn Nguyên Thao

Các vụ đại án “thanh trừng nội bộ, trâu buộc ghét trâu ăn” đang diễn ra đầu năm 2018 chỉ là để tranh đoạt lợi quyền. Tình trạng này đang đưa toàn bộ máy cộng đảng vào thế thủ dè chừng, soi mói tìm chỗ hở của các “đồng chí”. Việc điều hành nền kinh tế rơi vào đinh đốn. Để tránh bị gài bẫy, đâm lén sau lưng, mọi ngành sẽ  ăn cắp với nhịp độ siêu tốc và tinh vi hơn. Trong tình cảnh phải “be bờ”, cộng đảng đôn đốc thi hành nghị quyết 10 tâng bốc “doanh nghiệp tư nhân thành mũi nhọn và là động lực để phát triển kinh tế”[1]. Gian kế “phỉnh” doanh nghiệpcùng với luật ngân hàng phá sản, chỉ đền cho chủ tài khoản tối đa 75 triệu, chỉ là mưu mô kết nối nhịp nhàng “trên trải thảm, dưới rải đinh” để đạt mục tiêu “vỗ béo rồi làm thịt” dân chúng.

Từ 30 năm nay, không chỉ tâng bốc bằng lời, mà Hanoi còn đưa ra “hàng thước văn bản” coi kinh tế tư nhân là thành phần bình đẳng, khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế cộng đảng vẫn dành nhiều ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về nguồn lực đất đai, tiếp cận các nguồn vốn. Nếu tính theo số lượng, DNNN vẫn chưa đến 1% số doanh nghiệp cả nước, nhưng được hưởng 50% nguồn lực tốt nhất của Dân Tộc" [2].

Các số liệu thống kê cho thấy 1.300 doanh nghiệp thuộc khối SOE (*) của Việt Nam chỉ đóng góp 35% tổng sản phẩm đầu ra, trong lúc chiếm 45% tổng các khoản đầu tư, được ưu tiên nhận 60% tổng tín dụng ngân hàng, đồng thời được tiếp nhận gián tiếp 70% các khoản hỗ trợ phát triển.

Tổng tài sản DNNN tính đến cuối năm 2015 đã là 3 triệu tỷ đống, nhưng tổng doanh thu chỉ đạt gần 1.6 triệu tỷ đồng.

Dư luận để ý nhiều đến một số DNNN như Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty xi măng Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam.... đầy rẫy sai phạm, vi phạm, mức độ tham nhũng, ăn cắp . . . tàn phá tài nguyên đất nước rất nghiêm trọng. Tóm lại ngành nào tham nhũng cũng tràn ngập.

Sau khi xâm lăng Miền Nam, hàng ngũ lãnh đạo cộng đảng nhận ra rằng, miền Băc nghèo nàn, lạc hậu, nên phải tìm cách cướp giật của cải Miền Nam đem chia phần cho cả lũ nghèo khó. Do căn nguyên mất tính người, bất chấp dân chúng lầm than, tầng lớp lãnh đạo quyền lực trong đảng chẳng bao lâu bị cám dỗ lao vào lối sống hưởng thụ cuộc đời vương giả. Từ đó, các cán bộ cấp điều hành hiểu ra rằng, muốn yên thân sống sót họ phải cung phụng tiền tài qua ngả các bà vợ, cậu ấm, cô chiêu hay tình nhân của thượng cấp. Và như vậy, đương nhiên các nhóm lợi ích hình thành…. Cho nên, tất cả quan chức bị đem ra xét xử, đều là nạn nhân của một chế độ chỉ biết bầy gian kế trấn lột dân chúng nhằm phục vụ quyền lợi riêng mình.

Các vụ xử nói là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) mà một số quan chức tiêu biểu, thuộc phe mất quyền, đang chịu xét xử như các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh liên quan đến hàng chục người khác sẽ đem ra xét xử, được dư luận xem là nội bộ csVN đang “đấu đá kịch liệt”, “thanh trừng nội bộ”, “đánh nhau chí tử”.

Nhiều năm trước, hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư (DNT) đã lần lượt bị giải thể, phá sản. Truyền thông của cộng đảng cũng nhìn nhận, cho đến đầu năm 2017, mỗi ngày có 315 DNT phá sản. [3]. Trước đó, từ 2007-2015 có đến 45% DNT bị chèn ép đến phá sản hay giải thể. Năm 2010 có đến 70% doanh nghiệp tư đóng thuế thu nhập, đến năm 2017 chỉ còn có 30%.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp Saigon cho hay, ngoài nguồn vốn, lao động và công nhân hội nhập, DNT cần nhất hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng để giúp họ tồn tại và phát triển. Điều này kể cả doanh nghiệp đang phát triển hay khởi nghiệp đều cần.

Liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh, ông Bé than phiền rằng, chỉ một mình Bộ Tài chính cũng có đến đến 1.645 thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp là 678 thủ tục, Bộ Lao Động –Thương Binh –Xã Hội và Bộ Nông Nghiệp. Chỉ mới có 4 bộ đứng đầu mà các thủ tục hành chính đã kinh khủng như vậy chứ nếu kể hết 21 bộ ngành thì không biết thủ tục hành chính thế nào.

DNT phải trải qua hàng rừng chằng chịt thủ tục để nhận trong tay hàng trăm loại giấy phép con, giấy xác nhận, giấy kiểm định; xuất nhập khẩu thì trung bình phải mất 14 ngày để thông quan hàng.

Đối với các nhà đầu tư có nguồn vốn từ nước ngoài, thường gọi là doanh nghiệp FDI (DNFDI) chẳng những được nhiều ưu tiên, ít khi bị chèn ép, mà còn được cộng đảng bảo vệ khi có tranh chấp với công nhân.

Năm 2017, DNFDI đóng góp tương đối khả quan cho tăng trưởng GDP của Việt Nam. Nhưng, nếu tiếp tục dựa vào DNFDI thì bắt buộc Hanoi rơi vào hoàn cảnh mất tự chủ trong kinh tế lẫn chính trị, và một nền ngoại giao mất độc lập, vì lúc nào cũng phải cúi mặt trước đối tác có sức mạnh từ đồng tiền. Nếu như tình thế đổi thay, các DNFDI rút vốn về quê hương họ, lúc đó kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào khoảng trống.

Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ trung buộc DNFDI không thể rời đi đang là lập luận yếu dần với đà tiến của sự đổi thay trong nền công nghệ cao. Lao động Việt Nam hiện thiếu khả năng chuyên nghiệp, do giáo dục học đường còn đang loay hoay với mớ giáo điều cũ kỹ, các môn học không thiết thực cho nhu cầu kinh tế thị trường đúng nghĩa. Đại học Việt Nam sản sinh ra hàng loạt người tốt nghiệp bằng cấp đầy mình, nhưng tay nghề lại ngu ngơ, sẽ không đuổi kịp sức sản xuất hàng loạt do trang thiết bị tân tiến thay cho cơ bắp. Trong nhiều năm qua, các DNFDI mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm chuyên viên, nhưng khó khăn lắm mới tuyển được người có trình độ thích ứng.

Tiến sỹ Trần đinh Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh Tế Viêt Nam dưa ra nhận xét : Hiện DNFDI giống như là khoảng trời độc lập, họ không mang vào Việt Nam công nghệ tân tiến, họ vào Việt Nam với lời mời chào rất hấp dẫn chính là : lắm lợi thế, lắm tài nguyên, lao động rẻ tiền. Hoạt động trong cùng hệ sinh thái, cùng một môi trường kinh doanh, đầu tư mà DNFDI và DNNN được thừa hưởng rất nhiều lợi thế từ: đất đai, thị trường, chính sách thì làm sao DNT có thể phát triển được.

Phù hợp với nhận định “vọng ngoài, ép trong” của Tiến sĩ Trần đinh Thiên, đài BBC thuật lời Quốc Vụ Khanh, bộ Ngoại Giao Anh, Mark Field viết trên trang tài chánh Citi A.M hôm 18-01 rằng Việt Nam hiện tại đang mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, và doanh nghiệp Anh nói riêng.

Thương mại và đầu tư song phương cũng phát triển mạnh mẽ, tăng hơn gấp đôi kể từ khi hai nước ký thỏa thuận đối tác chiến lược năm 2010, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều cơ hội đang chờ được khám phá.

Nằm trong gian kế “vỗ béo làm thịt” Hanoi chính thức cho phép từ ngày 15 tháng 01 năm 2018, ngân hàng thương mai (NHTM) được tuyên bố phá sản, và chỉ bồi thường cho chủ tài khoản tối đa 75 triệu đồng Việt Nam, bất kể khách hàng gởi trong ngân hàng tiền tỷ hay nhiều hơn nữa.

Điều luật bồi thường giới hạn này, gây thiệt hại cho khách hàng là những người cao tuổi, có chút tiền gởi trong ngân hàng để kiếm lời chi tiêu cho nhu cầu hàng ngày; gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp gởi tiền hoặc là chủ sở hữu hay cổ đông ở đây. Ngoài ra, khi một ngân hàng bị phá sản, nguy cơ là các ngân hàng khác cũng bị liên đới, vì có sở hữu chéo.

Sau này, dân có tiền có thể mua vàng và ngoại tệ để cất giữ trong nhà hay chuyển gởi ra nước ngoài cho thân nhân giữ giúp.

Những điều này sẽ gây hiệu ứng dây chuyền và ảnh hưởng rộng lên các hoạt động kinh tế tài chánh và uy tín của toàn thể ngành ngân hàng Việt Nam.

Việt Nam có hàng chục NHTM, phần lớn là do quan đỏ cùng làm chủ với các nghiệp vụ thao túng do các nhóm lợi ích chủ trương. Hàng chục năm qua, khối NHTM đã gây ra núi nợ xấu, dư nợ qua các dự án “ma”, làm giả hồ sơ tín dụng, rút tiền ra chia chác cho nhau.

Năm 2016, Ba Đình ép dân phải bán cho kho bạc Hanoi 10 tỷ Mỹ Kim bằng cách : Hạ lãi xuất tiết kiệm đồng Mỹ Kim gởi trong ngân hàng xuống 0%; tăng lãi xuất tiền đồng VN lên 7%. Vậy là dân chúng phải bán Mỹ Kim cho Ba Đình, lấy tiền VN gởi tiết kiệm để được 7% tiền lời. 10 tỷ Mỹ Kim mua vào, thì Ba Đình tung ra thị trường bằng số tiền đồng tương đương, khỏang 25 triệu tỷ đồng VN. Nay cho ngân hàng phá sản, chỉ đền cho chủ tài khoản tối đa 75 triệu. Cách đền bù cho có là hình thức dùng sức mạnh để cướp tài sản của dân chúng.

Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) từng mua ba ngân hàng GPBank, OceanBank và CBBank với giá không đồng. Việc này được các chuyên viên cho là nằm ngoài khía cạnh luật pháp, để lại hậu quả là hàng nghìn cán bộ, nhân viên NHTM lao đao, mất việc, biết bao nhiêu người bị hàm oan trước vành móng ngựa, góp phần làm quá tải nhà tù hiện nay.

Măc dù cộng đảng cổ võ cho DNT hoạt động, nhưng nghị quyết 10 do cộng đảng ban hành 6 tháng trước, vẫn khẳng định theo đuổi quan điểm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt, thì theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn không có dấu hiệu phát triển lạc quan chừng nào chế độ còn muốn độc tài toàn trị.

Trần Nguyên Thao
January 18, 2018

(*)  State-Owned Enterprise (Doanh Nghiệp Nhà Nước)
[3] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/moi-ngay-co-hon-315-doanh-nghiep-pha-san-ngung-hoat-dong-20170304140604088.htm

No comments:

Post a Comment