Lac Viet Humanistic Culture

Thursday, September 30, 2021

PHÁT BIỂU CỦA ÔNG NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG TRONG LỄ TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGUYỄN VĂN THIỆU 2021

 

BẢO VỆ LÃNH THỔ XÂY DỰNG ĐÁT NƯỚC

NGUYỄN ĐỨC CƯỜNG

Nguyên Tổng Trưởng Thương Mại và Kỹ Nghệ

Việt Nam Cộng Hòa

(Phát biểu tại Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Nguyễn Văn ThiệuWestminster, CA Ngày 26.9.2021)

                




 

Kính thưa quý vị đại diện tôn giáo

Kính thưa quý vị dân cử thành phố Westminster

Kính thưa quý vị đại diện các tổ chức cộng đồng người Việt

Kính thưa quý vị quan khách

Hôm nay, chúng ta làm lễ kỷ niệm hai mươi năm Tổng Thống vĩnh biệt chúng ta.

Trước di ảnh của Cố Tổng Thống, tôi rất cảm súc và vinh hạnh được nói đến những công trình “Bảo Vệ Lãnh Thổ, Xây Dựng Đất Nước” mà cố Tổng Thống đã đạt được trong một khoảng thời gia mười năm, và trong một khung cảnh thay đổi nhanh chóng và đầy thử thách.

Hơn một nữa thế kỹ đã trôi qua từ khi cố Tổng Thống lãnh trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia tháng 6 năm 1965 trong cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Hôm nay, chúng ta cần nhắc lại những di sản của cố Tổng Thống để lại cho đất nước, và giá trị của những di sản đó.

Bảo Vệ Lãnh Thổ

Trước hết cần phải nhắc lại khung cảnh lúc Tổng Thống đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo đất nước là một khung cảnh đầy thử thách chưa từng có trong lịch sử cận đại của đất nước.

Chúng ta lúc đó có khoảng mười lăm triệu dân mà phải đóng vai trò thành trì của thế giới tự do, chống lại chiến dịch xăm lăng của Đế Quốc Cộng Sản.

Trong cương vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tổng Thống đã trải qua những trận đánh khốc liệt, từ Tết Mậu thân năm 1968, cho đến chiến dịch Xuân năm 1972 do quân Cộng Sản Bắc Việt phát động. Và chót hết là hải chiến Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974 do Hải Quân Trung Cộng khởi xướng.

Năm Tết Mậu Thân 1968, quân đội đồng minh đã đạt tới cực điểm khoảng gần 600,000.

Năm 1972, đồng minh chỉ còn tham chiến bằng không lực. Cuộc chiến đi vào giai đoạn thử lửa cuối cùng, Bắc quân dồn hết nỗ lực đánh miền Nam trên 3 mặt trận mà chúng ta thường gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa.

Mùa Hè Đỏ Lửa bắt đầu khoảng cuối tháng Ba 1972 khi quân Cộng Sản Bắc Việt xua toàn bộ 14 sư đoàn quân chính quy, khoản 120,000 quân bộ binh, cộng thêm 1200 chiến xa đủ loại chia làm 3 mủi tấn công vào ba tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa, Quảng Trị, Kontum và Bình Long.

Mở màn trận Quảng Trị kéo dài trên 100 ngày từ khi Bắc Quân vượt sông Bến Hải cho đến khi chiếm được Cổ Thành và mở đầu cuộc chiến 81 ngày lịch sử.

Sao đó quân Cộng Sản đi ngả Hạ Lào đánh Kon tum trong 29 ngày nhưng rồi vì tổn thất nên bỏ cuộc đưa quân qua Cam Bốt để tấn công Bình Long. Thành phố Kon Tum đã có lúc bị địch chiếm một nửa nhưng rồi đứng vững và trở thành Kon Tum Kiêu Hùng.

Tiếp theo thị xã An Lộc bị bao vây trong 90 ngày nhưng vẫn đứng vững cho đến ngày cuối nên Tổng Thống đã phong tước hiệu An Lộc Oai Hùng, Bình Long Anh Dũng.

Sau hết, trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị ghi dấu chiến thắng oai hung của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Tổng Thống cùng phái đoàn chính phủ và các tướng lãnh đáp trực thăng xuống An Lộc để ủy lạo và tưởng thưởng những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hữu công và an ủi thăm hỏi dân chúng tỉnh Bình Long trong lúc vẫn còn tiếng pháo kích của Cộng quân vào thành phố.

Trong năm 1972, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ trông cậy vào sự yểm trợ bằng không lực B-52 của Hoa Kỳ, cất cánh từ Không Quân U-Dorn và U-Tapao tại Thái Lan.

Sau hết, chúng ta cần nói tới hải chiến Hoàng Sa. Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa là lực lượng hải quân độc nhất thế giới đã đối đầu trực tiếp với Hải Quân Trung Cộng mà không có sự hổ trợ của Hải Quân Hoa Kỳ.

Tổng Thống đã chỉ thị bằng mọi phương cách, kể cả dùng vũ lực, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa phải yêu cầu tàu bè Trung Quốc rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Tổng Thống đích thân viết hai trang giấy ghi lại chỉ thị và yêu cầu Tư Lịnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải đọc lớn cho các tướng lãnh trong phòng họp cùng nghe.

Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa được lệnh nổ súng sáng ngày 19 tháng 1 năm 1974. Mặc dù đã khai hỏa trước, sự thiệt hại của phía chúng ta đã cao hơn phía Trung Cộng. Vì tương qua lực lượng chênh lệch vế phía Trung Cộng, chúng ta phải bỏ Hoàng Sa.

Lúc đó Hạm Đội số 7 của Hoa Kỳ đã được chỉ thị không can dự vào cuộc chiến này. Sau này, thế giới nhìn thấy việc chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa chỉ là bước đầu cho công cuộc xâm chiếm toàn vẹn Biển Đông của Trung Cộng.

Dù có sự ủng hộ của đồng minh hay không, Tổng Thống và toàn dân cương quyết bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ.

Xây Dựng Đất Nước

Trong cương vị Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Giatu72 tháng 6 năm 1965, cố Tổng Thống lèo lái con thuyền quốc gia qua những giai đoạn quan trọng và cần thiết sau đây:

 

-        Tổ chức bầu cử Quốc Hội Lập Hiến

-        Ban hành Hiến Pháp ngày 23 tháng 12 năm 1966 đặt nền tảng mới cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa

-        Ra tranh cử và đắc cử Tổng Thống tháng 10 năm 1967.

Hiến Pháp Đệ Nhị Cộng Hòa đặt nền tảng cho một nhà nước pháp trị, một hệ thống chính quyền có ba ngành riêng rẽ, Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp, có một Quốc Hội lưỡng viện, có Tối Cao Pháp Viện, có tuyển cử đa dạng, có bảo vệ nhân quyền, có chủ quyền, có chủ trương dân có giàu thì nước mới mạnh, có bảo đảm quyền sở hữu tư nhân, có quyền tự do ngôn luận.

Trong một khung cảnh do những yếu tố hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, những sự kiện sau đây đã xảy ra:

- Quân đội Mỹ gia tăng từ con số không đầu năm 1965 lên trên 500,000 vào cuối năm  1968, và người lính Mỹ sau cùng rời Việt Nam cuối tháng 3 năm 1973                        

- Viện trợ Mỹ cũng đi từ khoảng 450 triệu Mỹ Kim một năm trong giai đoạn 1963-1965, tăng vọt lên 3 tỷ Mỹ Kim một năm trong giai đoạn 1971-1973 và trở về con số không vào cuối năm 1975.

Chúng ta phải làm những gì?

Tổng Thống chỉ thị chúng ta phải có chương trình tự túc tự cường trong ngắn hạn, đồng thời đặt một nền tảng vững chắc cho một chương trình phát triển kinh tế lâu dài. Chúng ta cần khai thác tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực còn non trẻ của đất nước.

Chúng ta cần xây dựng một nền tảng pháp lý vững chắc, thiết lập hoặc tăng cường các định chế cần thiết cho việc phát triển kinh tế.

Chúng ta cần đặt trọng tâm vào lãnh vực tư nhân, trong nước cũng như ngoại quốc.

Trong khung cảnh đó, tôi xin trình bày ba di sản quan trọng nhất mà Cố Tổng Thống đã để lại cho đất nước.

Di sản thứ nhất: Chúng ta đã thực hiện một cách tốt đẹp chương trình Người Cày Có Ruộng, bằng cách cấp ruộng miễn phí cho nông dân để họ làm chủ vĩnh viễn mảnh ruộng của họ. Tổng Thống ban hành Luật người Cày Có Ruộng tháng 3 năm 1970. Chỉ trong vòng hai năm, gần một triệu nông dân được làm chủ vĩnh viễn mảnh ruộng để canh tác mà trước đây họ chỉ làm tá điền cho những chủ đất vắng mặt.

Chính phủ mua lại ruộng đất của những chủ đất vắng mặt, và cấp miễn phí cho nông dân tá điền, một tầng lớp nghèo nhất trong xã hội từ nhiều thế hệ mà không thoát ra được cho tới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Mức sản xuất gạo gia tăng đáng kể, mặc dầu chiến tranh vẫn tiếp tục. Đến cuối năm 1974 chúng ta đã không cần nhập cảng gạo, và bắt đầu làm những chuẩn bị cần thiết để co thể xuất cảng gạo cho mùa 1975 sắp tới.

Chương trình Người Cày Có ruộng đã được thi hành trong một khuôn khổ pháp lý thỏa đáng và thích hợp, không có tranh chấp đổ máu. Cần nói thêm, hai quốc gia đồng minh, Nam Hàn và Trung Hoa Dân Quốc, đã rất khâm phục việc thực hiện chương trình này.

Di sản thứ hai: thực hiện một chương trình ổn định kinh tế trong ngắn hạn song song với phát triển kinh tế toàn diện và lâu dài, dựa trên những luật lệ do Quốc Hội biểu quyết và thông qua, những định chế cần thiết, mot chánh sách kinh tế uyển chuyển, hợp lý, dựa trên ba yếu tố quan trọng sau đây:

     -        Bảo vệ quyền tư hữu theo Điều số 19 của Hiến Pháp

-        Áp dụng kinh tế thị trường

-        Dựa vào lãnh vực tư nhân, trong nước cũng như ngoại quốc

Áp dụng kinh tế thị trường trong thời chiến là một chánh sách độc đáo, đi trước các quốc gia chậm tiến trên thế giới gần hai chục năm. Thật vậy, Cơ Quan Quản Lý Thương Mại Quốc Tế, gọi tắt là WTO, chỉ ra đời năm 1996 để theo dõi và buộc các quốc gia hội viên thi hành các luật lệ về kinh tế thị trường. Trong khi đó Việt Nam Cộng Hòa đã áp dụng chính sách kinh tế thị trường từ năm 1972-1973.

Di sản thứ ba: Tổng Thống đã mở đầu kỷ nguyên dầu hỏa cho đất nước, một kỷ nguyên đầy hứa hẹn.

Tổng Thống ban hành Luật Dầu Hỏa, số 11/70 vào tháng 12 năm 1970. Sau hai đợt gọi thầu, các giao kèo đặc nhượng khai thác dầu hỏa đã được ký kết giữa Việt Nam Cộng Hòa và các công ty dầu hỏa lớn nhất nhì thế giới, và đem lại gần 50 triệu Mỹ Kim cho Ngân Sách Quốc Gia.

Ngày 24 tháng 2 năm 1975 Tổng Thống đã đến thăm dàn khoan Gobal Marine IV lúc đó đang thử nghiệm sản xuất Giếng dầu Bạch Hổ, trên thềm lục địa Việt Nam Cộng Hòa> Giếng dầu Bạch Hổ sau này trở thành mỏ dầu khổng lồ, có mức dự trữ nhiều tỷ thùng dầu, với trị giá cỡ nhiều ngàn tỷ Mỹ Kim.

Lịch Sử Phán Xét

Cả ba di sản nói trên đã được các cộng sự viên cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trình bày và thảo luận tại các buổi hội thảo tổ chức tại đại học Cornell năm 2012, đại học Berkely năm 2016, đại học Oregon năm 2019, đại học Texas Tech, Lubbock năm 2019 và đại học US Naval War College năm 2020.

Các bài trình diễn đã được in thành sách sử để cho các đại học khắp nơi và sinh viên tham khảo.

1. Cuốn sách thứ nhất với tựa dề: Voice from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975) do Đại Học Cornell xuất bản năm 2014 đã bán rất chạy, tổng cộng trên 800 cuốn. Đặc biệt chúng tôi được biết Đại Học Hà Nội đã mua 100 cuốn để cho các sinh viên tham khảo. Cuốn sách này cũng đã được dịch ra tiếng Việt và đã bán được gần 500 cuốn trong ba năm qua.

2. Cuốn thứ nhì với tựa đề The Republic of Vietnam 1955-1975 Vietnamese Perspectives on Nation Building dựa trên các buổi thảo luận tại Đại Học Berkeley năm 2016, và do Đại Học Cornell xuất bản năm 2019, cũng bán rất chạy, tổng cộng gần 500 cuốc trong vòng 18 tháng.

3. Cuốn sách thứ ba với tựa đề: War and Society in South Vietnam: Crises Opportunities and Diasporic Legacies sẽ do Đại Học Hawaii xuất bản trong năm tới, dựa trên các buổi thảo luận tại Đại Học Oregon.

Theo Đại Học Cornell, những con số sách bán trên đây rất tốt đẹp so với các cuốn sách sử tương tự do Cornell xuất bản.

Trong những năm gần đây bầu không khí tại các đại học bên Hoa Kỳ đã trở nên thuận lợi khi thảo luận về vấn đề Việt Nam Cộng Hòa. Trước đó, trong những năm 1968-1972, các tổ chức phản chiến hoạt động rất mạnh tại đại học Cornell và Berkeley. Nhưng nay cả hai trường đại học này đã tổ chức các buổi hội thảo về các vấn đề Việt Nam Cộng Hòa một cách thân thiện.

Nhân dịp này, tôi cũng cần nói thêm về giá trị của ba di sản mà cố Tổng Thống đã để lại cho đất nước.

Chính quyền Hà Nội hoàn toàn bãi bỏ chế độ sản xuất lúa gạo của VNCH và thay thế bằng hệ thống họp tác xã áp theo khuôn khổ kinh tế tập trung của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Chế độ này đã đưa tới nạn đói trầm trọng và dân phải ăn bo bo thay gạo.

Chánh phủ phải hủy bỏ chế độ Hợp Tác Xã và áp dụng trở lại những biện pháp của VNCH trước đây. Chỉ trong vòng 3-4 năm sau khi áp dụng trở lại những biện pháp của thời VNCH, Việt Nam đã trở thành một nước xuất cảng gạo nhất nhì trên thế giới.

Kinh Tế Tập Trung của chế độ Cộng Sản đã thất bại như chúng ta đã thấy. Chánh phủ Hà Nội phải chuyển qua kinh tế thị trường để Việt Nam có thể phát triển, gia tăng xuất cảng, và gia nhập cơ quan quản lý thương mại quốc tế WTO để được hưởng chế độ ưu đãi vế quan thuế.

Công tác khai thác dầu hỏa sau 1975 bị chậm lại trên 10 năm vì các kỹ sư chuyên viên trong khối Cộng Sản chưa đủ khả năng kỹ thuật, tổ chức, và tài chánh, để đào các mỏ khoan dầu ở ngoài khơi.

Kết Luận

Thử hỏi có mấy nhà lãnh đạo trong lịch sử cận đại, đã thực hiện được những công trình như trên trong khoảng thời gian mười năm.

Nhân cách của cố Tổng Thống, tính cương quyết và đường lối đúng của cố Tổng Thống vẫn còn nằm mãi mãi trong lòng người Việt.

Xin cảm ơn quý vị.


 

No comments:

Post a Comment