Lac Viet Humanistic Culture

Sunday, June 9, 2024

Phu nhân một vị Tướng (1) | Đinh Yên Thảo


Phu nhân một vị Tướng (1)

Đinh Yên Thảo

Giông tố tuổi thơ

“Mấy chị em chúng tôi mỗi người chỉ có một bộ áo quần cũng đã sờn rách. Tôi may mắn có được 2 cái quần. Gọi là quần nhưng chỉ là những mảnh vụn vá chằng chịt lên nhau … Mùa Đông đến đem theo hơi lạnh, gió rét của miền rừng núi. Bốn mẹ con co ro trên cái phản gỗ, đắp một cái chiếu cũng đã cũ. Mẹ đầu bên này, tôi đầu bên kia, kéo qua kéo lại. Con ấm thì mẹ lạnh và ngược lại. Hai cậu em thì còn nhỏ ngủ vô tư…”. (trích Hồi Ức Tháng Ngày Qua – Nguyễn Tường Nhung)

Đó là dăm hồi ức về những tháng ngày đã sống thiếu thốn, cực khổ của mẹ và chị em bà Nguyễn Tường Nhung trong suốt 3 năm tản cư tại Xóm Đìa, một làng quê nghèo đâu đó gần Nhã Nam thuộc Yên Thế, nơi vị lãnh binh “Hùm Thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám từng đặt cứ địa chống Pháp ngoài Bắc. Bà đi mót lúa, giã gạo, mơ ước có được đôi dép cao su gánh gạo đi bán để chân không rát bỏng trên đường đá sỏi. Bà kể hiếm hoi lắm gia đình bà mới được chia bớt cho vài con cá nhỏ vớt đầm, có được vài quả trứng vịt hay miếng thịt rọi hàng ế ruồi bu đầy. Chúng là bữa ăn ngon theo bà suốt cả một đời, dù sau này có dự những quốc yến sang trọng.

Một tuổi thơ như vậy làm sao ai có thể quên?

Bà mở đầu tập hồi ức với tuỳ bút “Bố Tôi”, về nhà văn Thạch Lam, trước khi kể về những tháng ngày cơ cực bên trên. Tôi không nhớ rõ về thân thế của ông, nhờ đọc cuốn hồi ức và tìm hiểu lại, mới biết Thạch Lam mất vì bịnh lao khi còn rất trẻ, chỉ mới 32 tuổi, để lại cho người vợ 3 đứa con thơ cùng vài cuốn sách. Bà Nguyễn Tường Nhung là con cả, mới 6 tuổi lúc mồ côi cha và 2 cậu em, một người lên 3 và em út chỉ vừa chào đời được 3 ngày. Cả hai em trai bà, Nguyễn Tường Đằng và Nguyễn Tường Giang sau này đều ăn học thành tài. Người em út Nguyễn Tường Giang tốt nghiệp Y Khoa Sài Gòn, có làm thơ và viết văn từ trước năm 1975.

Gia đình các cụ nội ngoại của nhà văn Thạch Lam là dòng tộc Nguyễn Tường gốc Quảng Nam và Lê Quang gốc Huế, đều là những vị tổng quản và quan huyện được nhà vua bổ ra Bắc. Sinh năm 1910, Thạch Lam là người con thứ sáu trong gia đình. Cha mất sớm, khi ông lên 7 hay 8 tuổi, mẹ ông đã tảo tần nuôi 7 người con ăn học, vậy mà bà mẹ quê đã  góp vào văn đàn Việt Nam những văn tài lừng lẫy trong thế kỷ 20 như Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam của nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Với cô bé 6 tuổi, những gì còn trong ký ức về thân phụ mình là một người đàn ông cao, da trắng như Tây, ăn vận chỉnh tề và là người tinh tế, nhẹ nhàng. Ông sống lặng lẽ thanh cảnh, nhưng có giao du với những văn nghệ sĩ đồng thời như Đinh Hùng, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Thanh Tịnh … Tác giả kể rằng, có lần nhà thơ Đinh Hùng đến chơi, uống rượu say khướt, mẹ bà phải bôi vôi vào lòng bàn chân cho giải rượu. Hay khi tản cư xuống Nhã Nam, mẹ con bà có gặp cả thi sĩ Bàng Bá Lân và nhạc sĩ Phạm Duy.

Thạch Lam vướng bệnh lao rồi qua đời, có lẽ do làm việc quá độ vì phải đảm đương quá nhiều công việc khi các anh trai phải né tránh Pháp, từ viết văn, viết báo, trông nom nhà in đến biên tập tuần báo Phong Hóa, nắm chủ bút tờ Ngày Nay, những tờ báo đều bị Pháp đình bản về sau.

Thạch Lam không dấn thân vào con đường chính trị, bài xích Pháp mạnh mẽ như các anh trai. Dù vậy ngòi bút của ông vẫn mang khuynh hướng xã hội, có cảm thông chân thành với người nghèo khó, lam lũ. Có lẽ một phần vì cảnh nhà thanh bạch, thiếu thốn nên ông cảm thông hơn với họ. Vài chục năm sau, đọc lại tuyên ngôn văn chương của Thạch Lam, vẫn đáng để suy nghĩ. Ông viết, “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Sau khi thân phụ mất, mẹ con bà được bà Nội rước về Cẩm Giàng, cách Hà Nội vài chục cây số, đùm bọc cho đến khi tản cư chạy giặc Tây. Bà Nội là người được bà ghi ơn là nếu không có cụ, có thể bà đã trở thành một nữ cán bộ Việt Minh và các em trai bà có thể đi bộ đội rồi vùi thây nơi chốn rừng thiêng nước độc nào đó.

Bởi bà và người dân Cẩm Giàng, trước lúc tản cư, bỗng bất ngờ một ngày, từng phải sống cùng với nhóm người “đeo súng trên vai, vừa đi vừa hô to những khẩu hiệu “Đả đảo Việt gian bán nước! Đả đảo! Đả đảo cường hào ác bá!” đi lùng bắt quan huyện và công chức, còn dân tình  thì “nơm nớp sợ hãi, thì thầm bàn tán, không biết tốt xấu ra sao với nhóm người gọi là Việt Minh này và tự hỏi Việt Minh là ai vậy?” (trích Tháng Ngày Qua).

Bà kể là bà trở thành “thiếu nhi Việt Minh”, cũng học hát, học diễn kịch, được giao “công tác” đi thu gạo, đi vận động quyên góp trong “Tuần lễ vàng”, một chiến dịch mà Việt Minh phát động quyên góp vàng  bạc quy mô trong dân chúng, ngay sau khi giành được chính quyền năm 1945.

Từ một gia đình hàng khá giả, có ruộng vườn khi được bà Nội cưu mang, chiến tranh đã tàn phá tất cả, bà phải sống những ngày rất cực khổ khi tản cư kể trên. Hồi cư, mẹ con bà không còn ở chung với bà Nội vì trang trại đã bị Việt Minh đốt theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến, còn bà Nội thì về sống với người bác Cả. Mẹ con bà sống tạm với người cô ruột, chị của Thạch Lam, cũng là một gia đình nghèo và đông con mà cũng chẳng chứa được cả nhà bà lâu. Người thân bên cha cũng chẳng giúp đỡ được gì, đứa con gái mồ côi cha chớm tuổi dậy thì bị gởi đến người bà con xa để phụ việc cho một hiệu thuốc lào, sự thực là để có nơi ăn chốn ở và đỡ được một miệng cơm. Bà kể đó là những ngày rất cô đơn và buồn tủi vì xa mẹ, xa các em, buồn hơn cả thời gian tản cư nhọc nhằn.

Bà viết trong hồi ức rằng, “Hồi cư về thành nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Chính cái nghèo đó đã đẩy tuổi thơ của bà sang một ngã rẽ của định mệnh. Bà bị tảo hôn năm chưa đầy 16 tuổi. Gia đình sắp đặt để bà lấy một người đàn ông hơn bà 13 tuổi, với lý do còn xoáy sâu vào đáy lòng bà, “cháu không lấy nó thì ai nuôi cháu”.

Dallas 5/2024

Đinh Yên Thảo

ĐYT


No comments:

Post a Comment