Lac Viet Humanistic Culture

Sunday, June 9, 2024

Phu nhân một vị Tướng (2) | Đinh Yên Thảo

 

Phu nhân một vị Tướng (2)

Đinh Yên Thảo

“Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao” (Nguyễn Du). Cuộc đời vô lường, có ai biết chắc những trang đời được mất của ngày mai?

Người chồng mất sớm, bà đi thêm bước nữa. Người thiếu phụ Bắc di cư còn son trẻ được vị Trung Úy Dù tác chiến xứ Bến Tre muốn bảo bọc, rồi họ lấy nhau khi ông được thăng cấp Đại Úy. Bà đâu ngờ ông sẽ trở thành một vị tướng cao cấp trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Trong trang mở đầu cuốn hồi ký Tháng Ngày Qua của bà Nguyễn Tường Nhung, ở giữa hai hàng chữ, “Kính dâng hương hồn Bà Nội và Bố Mẹ” cùng “Để thương mến tặng các con, cháu và chắt, nội ngoại” là hàng chữ đầy trìu mến dành cho cố Trung tướng Ngô Quang Trưởng rằng, “Để tưởng nhớ đến Anh, một đời bên nhau”.

Đọc hồi ký, tôi cảm nhận được mối tình của ông bà rất đẹp, chan chứa yêu thương và nghĩa tình của một đời bên nhau. Có khắc khoải, mất mát trong thời chiến, nổi trôi theo vận nước rồi ly lạc nơi xứ người. Nhưng những thăng trầm, nước mắt chẳng lấy mất sự lãng mạn, mặn nồng họ dành cho nhau, bù đắp tuổi thơ giông tố của bà.

Tôi xúc động lẫn ngạc nhiên đến bất ngờ khi đọc được thủ bút một vị tư lệnh chiến trường hiên ngang, cứng rắn của một thời vào sanh ra tử, vẻ ngoài khắc khổ và nghiêm nghị, lại dịu dàng viết cho vợ những lời ngọt ngào đến thế này.

“Em yêu! Đây là những cánh hoa sau cùng còn lại trong vườn tình yêu của chúng mình. Anh hái tặng em yêu để quên những giờ nhọc nhằn trong cuộc sống mà cũng để chứng tỏ một tình thương đậm đà nhất trên trần gian này mà anh đã dành cho em yêu” (Ngô Quang Trưởng).

Vị tư lệnh vùng

Là sĩ quan tác chiến can đảm và có tài, cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng được thăng cấp khá nhanh trong cuộc đời binh ngũ của ông. Tốt nghiệp tú tài Pháp, ông nhập ngũ năm 1953. Năm 1954, ông mãn khóa 4 Cương Quyết tại Trung tâm huấn luyện Sĩ Quan Thủ Đức. Về Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù với cấp bậc Thiếu Úy thì đến năm 1966, ông đã được thăng cấp Đại Tá Tư lệnh Phó Sư đoàn Nhảy dù rồi Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh và đến năm 1971, được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.

Tham gia vào trung tâm quân sử Hoa Kỳ sau khi tị nạn tại Mỹ, trong cuốn sách về mùa Hè đỏ lửa 1972 vào năm 1977, cựu Trung tướng Ngô Quang Trưởng viết về những người lính VNCH rằng, “Người lính miền Nam Việt Nam bình thường, lớn lên trong chiến tranh, không chỉ gan dạ và cống hiến cho chính nghĩa mà anh ta đã chiến đấu mà còn luôn kiêu hãnh về binh nghiệp của mình và tràn ngập lòng yêu thương gia đình, đồng đội và người dân” (The Easter Offensive of 1972).

Cũng có thể xem những lời nói trên dành cho chính ông một cách khiêm cung. Bởi trong cuốn sách “Cuộc chiến 25 năm” (The 25-Year War), Đại tướng Bruce Palmer, là Tư Lệnh Lực Lượng Dã Chiến trong chiến tranh Việt Nam và từng là quyền Tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ, đã nhận xét về tướng Trưởng rằng, “ông là một sĩ quan chỉ huy tác chiến cang cường, dày dặn kinh nghiệm và có lẽ là sĩ quan chỉ huy chiến trường giỏi nhất tại miền Nam Việt Nam”.

Chưa tròn một năm sau khi mãn khóa huấn luyện, ông đã bị thương trong trận đánh với quân Bình Xuyên tại Sài Gòn. Những chiến công liên tục của ông đã giúp cho ông thăng cấp khá nhanh như nói trên. Từ năm 1970-1972, ông là Tư Lệnh Quân Đoàn 4 và được điều ra Huế làm Tư Lệnh Quân Đoàn 1 nhằm tái chiếm cổ thành Quảng Trị trong mùa Hè đỏ lửa 1972 cho đến năm 1975.

Bà Nguyễn Tường Nhung kể rằng, năm 1966 khi bay ra phi trường Phú Bài, lúc này chỉ trên dưới 30 tuổi, bà chưa quen hai chữ “phu nhân” khi có người ra đón và chào nên còn ngường ngượng. Biết ông khi còn là một Trung Úy Dù, cái danh vị “phu nhân” của bà được đánh đổi bằng những lo âu hồi hộp mỗi khi ông hành quân, phải đưa con cái theo ông ra những vùng chiến thuật ông được giao nhiệm vụ.

Những ngày mới lấy nhau, ông hành quân, đánh trận vài ba tuần mới về, ở nhà bà hay những người vợ lính chỉ biết cầu nguyện cho chồng được bình yên trở về. Bà viết trong hồi ký những ngày ông còn là Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù rằng, “Anh tham gia trận chiến nhiều hơn làm việc ở văn phòng. Mỗi lần đi hai tới ba tuần mới trở lại đơn vị… Người lính trận rất ít khi được ở gần gia đình vợ con, mà người vợ luôn sống trong sự lo âu hồi hộp. Mỗi lần chồng ra đi lại lo sợ không biết có trở về hay gục ngã ngoài trận tuyến…” (Tháng Ngày Qua). Có lẽ đó là tâm trạng chung của những người vợ lính.

Nhưng sự nguy hiểm đó không chỉ đến với người lính trận mà cả vợ con họ, những người theo chồng là cấp chỉ huy được điều đến nơi nhậm sở. Năm 1968, bà là người đã sống qua cái Tết Mậu Thân khốc liệt tại Huế. Lúc này ông đã lên tướng và là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ Binh. Khi Việt cộng bắt đầu tấn công Huế, bà kể rằng ông còn ở trong trại và tư dinh của ông bà bị bao vây, may mắn trốn thoát được tới An Cựu.

Bà theo ông ra Huế rồi về Cần Thơ, rồi lại ngược ra Huế, Huế trở thành vùng đất nhiều kỷ niệm và gắn bó với bà. Bà kể rằng Huế là nơi con út của bà chào đời, đi sinh bằng trực thăng và được bác sĩ quân y Mỹ đỡ đẻ ngay trong lều bạt nhà binh của trại đóng quân của Mỹ. Tướng Trưởng đã đặt tên con là Ngô Trị-Thiên nhằm ghi dấu thời gian trấn giữ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên.

Dallas 5/2024

Đinh Yên Thảo

ĐYT 

 

No comments:

Post a Comment